Đấu đá quyền lực lãnh đạo cấp cao để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia?

Sự kiện Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt giam 2 cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông, vì các sai phạm liên quan đến khu đất 151- 155 Bến Vân Đồn, quận 4, là một sự kiện chấn động. Đến mức, “nó có thể dập tắt tin tức về sức khỏe của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – ngay lập tức”.

Nguyễn Công Khế được đánh giá là nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên”, là một nhân vật đình đám trong làng truyền thông báo chí Việt Nam. Ông Khế có mối quan hệ đặc biệt với các lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quyền lực của Đảng và nhà nước Việt Nam, từ đầu những năm 2.000 cho đến nay.

Đám tang của cụ Lê Thị Liễu – mẹ Nguyễn Công Khế – được đánh giá: “Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế!”.

Theo giới thạo tin, việc bắt Nguyễn Công Khế với lý do sai phạm liên quan đến khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn chỉ là cái cớ. Có những đồn đoán cho rằng, có thế lực chính trị muốn bắt Khế, để khai thác thông tin và tìm cách khống chế quyền lực của phe miền Nam. Thông qua Khế, họ có thể moi ra những thông tin có giá trị, và từ đó khống chế các chính trị gia phía Nam.

Bởi Khế là một mắt xích trung tâm quan trọng của phe quyền lực ở đây. Khế có mối quan hệ với Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, hay giới lãnh đạo ở Sài Gòn cũng như các tỉnh phía Nam. Nhưng điều này từ trước đến nay cũng chỉ là tin đồn.

Tuy nhiên mới đây, báo Tiếng Dân online có loạt bài viết của tác giả Thu Hà, với tiêu đề “Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết”. Bài viết đã cho thấy, việc bắt Nguyễn Công Khế liên quan đến một “Kế hoạch báo thù của đàn em cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Bài viết của nhà báo Thu Hà đã cho người ta thấy, cơ quan An ninh của Bộ Công an đã bền bỉ trong suốt hơn 15 năm, với 2 lần bắt hụt ông Khế vì nhiều lý do khác nhau. Song cuối cùng – ông Khế – dù trải qua hai lần thoát chết trước đó, thì:

“Lần thứ ba, “bất quá tam”, chiều 16/1/2024, Nguyễn Công Khế mạt vận, đành tra tay vào còng, chấm hết một thời huy hoàng và “ngạo nghễ”.”

Trước đây, trong giới lãnh đạo cấp cao có sự bất đồng giữa Tổng Trọng và Ba Dũng. Mối bất hoà “không đội trời chung” này đã khiến ông Trọng phải bắt tay với ông Trương Tấn Sang, để chống lại Thủ tướng Dũng.

Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng lần thứ 12 (2016), với sự thất bại của Thủ tướng Dũng trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng Bí thư, ông Ba Dũng đã trở về làm người tử tế. Khi đó, người ta nghĩ rằng, cuộc chiến Ba – Tư giữa Tư Sang và Ba Dũng đã rơi vào dĩ vãng, nhất là khi có tin đồn, cựu Thủ tướng Dũng đã có những thỏa thuận ngầm với Tổng Bí thư Trọng.

Đó là lý do vì sao, 2 con trai của ông Ba Dũng là Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết vẫn tiếp tục thăng tiến.

Vào năm 2015, trong loạt bài “Ba – Tư đại chiến” của tác giả Trềnh A Sáng, đăng trên trang website DCVOnline, đã tiết lộ nhiều bí mật. Tác giả Trềnh A Sáng cho biết, “Bài này không nói về một cuộc chiến tranh nào đó ở xứ Persia (Ba Tư) mà bàn về những màn đấu đá liên miên giữa hai lãnh đạo nằm trong bộ tứ trụ của Việt Nam: Ba Dũng và Tư Sang.”

Tác giả đã chỉ rõ: “Vũ khí của Tư Sang – đám báo chí tay sai lề phải – đến giờ phút này đã không còn sử dụng được nữa. Một bộ phận bị lực lượng công an của Ba Dũng khống chế, như Tâm Chánh ở Sài Gòn Tiếp Thị; Công Huynh ở Tiền Phong; một bộ phận khác thì lui về với phương sách an toàn là bạn.”

Tác giả Trềnh A Sáng đã phơi bày những màn đấu đá hậu trường của các thế lực tối cao trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng các đối tượng được lôi kéo vào để phục vụ cho những cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các cá nhân và phe phái trong Đảng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những nhận định về bản chất của những màn đấu đá này, cũng như có hay không sự tác động đến đại cuộc.

Một câu hỏi đặt ra là, “Người dân Việt Nam được gì trong các cuộc đấu đá ở thượng tầng, như cuộc đấu Trọng Lú – Ba Dũng, hay cuộc chiến Ba Dũng – Tư Sang?”

Theo tác giả Trềnh A Sáng, trong các cuộc đấu ấy, bất luận Ba Dũng hay Tư Sang thắng, thì chính trị Việt Nam vẫn không vì thế mà tốt lên. Tư Sang có tốt hơn Ba Dũng? Và khi Tư Sang lãnh đạo thì đất nước có tốt hơn hay không? Việt Nam sẽ cứng hơn với Trung Quốc hay sao?

Câu trả lời chắc chắn là không. Về mặt con người, Tư Sang không chắc tốt hơn hay xấu hơn Ba Dũng. Nhưng cái cơ chế chính trị này buộc họ phải xấu như nhau.

Việc Tư Sang và Ba Dũng kèn cựa, chơi đòn đánh dưới thắt lưng, cũng chỉ để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia. Một khi đến lúc cần thỏa hiệp, thì họ sẽ lại ngồi vào bàn cùng nhau. Chiếc bánh quyền lực sẽ lại được ăn chia theo tỉ lệ thỏa thuận mới.

Nhưng dù bất luận tỉ lệ nào, như nhà thơ Nguyễn Duy từng nói, “Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”, và người dân luôn không có phần ở đó./.

Trà My – Thoibao.de

22.1.2024