Ngày 23/1, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân Elke Büdenbender thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm quan trọng, là cơ hội để Việt Nam hâm nóng lại mối quan hệ với Đức, vốn đã lạnh nhạt từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Trong chuyến thăm này, ông Võ Văn Thưởng đón tiếp vị Tổng thống Đức, vì là người đồng cấp và cũng là người gửi lời mời. Ngoài ra, Tổng thống Đức còn có lịch gặp ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, lịch gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam bị hủy bỏ vào giờ chót, vì lý do sức khỏe, theo một nguồn tin riêng cho biết.
Trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng đã tự xem mình là nguyên thủ quốc gia, thay thế Chủ tịch nước. Lần đón tiếp Tổng thống Mỹ vào tháng 9/2023, và lần đón tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 12/2023, cho thấy, ông Trọng đã gạt vai trò Chủ tịch nước sang một bên, và đích thân thực hiện vai trò này trong nghi lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia nước khác. Vậy tại sao, lần này ông Trọng lại không gặp Tổng thống Đức?
Trước kỳ họp bất thường của Quốc hội vào ngày 15/1, ông Trọng bị đồn là đã chết. Sau đó, ông xuất hiện tại buổi khai mạc phiên họp trên, để dập tắt tin đồn. Tuy nhiên, dù ông không chết như lời đồn, nhưng việc ông phải nằm viện điều trị do bị bệnh là sự thật. Thông tin này cũng được các hãng thông tấn lớn trên thế giới loan tải.
Ông Trọng hiện đã 80 tuổi, sức khỏe của ông đã suy giảm sau lần ngã bệnh đột ngột tại Kiên Giang hồi năm 2019. Sau khi được chữa trị, ông thường hạn chế xuất hiện trong các hoạt động đơn thuần mang tính nghi lễ, để bảo vệ sức khỏe.
Thông thường, trước khi họp Quốc hội, cả Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thường rồng rắn xếp hàng vào viếng lăng Ba Đình, ai cũng có mặt, nhưng riêng ông Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện.
Trong lần xuất hiện vào ngày 15/1 vừa qua, ông Trọng đã quá “liều” khi cố gắng dùng chút sức tàn, để xuất hiện trước truyền hình. Đây là một hành động mạo hiểm, bởi với một ông già 80 tuổi, đã qua nhiều lần bạo bệnh, thì rất dễ suy kiệt. Hậu quả là, bệnh của ông đã trở nặng đến nỗi phải hủy cuộc gặp với Tổng thống Đức.
Cho tới nay, trong Bộ Chính trị, chỉ có một mình ông Nguyễn Phú Trọng là chọn chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, chứ không đi nước ngoài như các đồng chí của ông. Có lẽ, ông đủ tự tin là đã nắm chắc Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Trung ương, có thể khiến họ hết lòng chữa trị, thay vì có thể “thuốc” cho ông chết.
Cuộc chiến cung đình ngày càng khó lường. Ngay cả những người thân cận ông Trọng cũng chưa chắc đã muốn sức khỏe của ông tốt lên, tuy bề ngoài, ai cũng tỏ vẻ lo lắng cho sức khỏe của ông.
Có nguồn tin cho biết, Tô Lâm đang mất dần kiên nhẫn, bởi ông Tô đã hết lòng tận tụy phục vụ cho ông Tổng, nhưng vẫn không được chọn là người thừa kế.
Tô Lâm là người có tham vọng chính trị rất lớn, đồng thời cũng là kẻ dám làm càn. Tham vọng được ngồi vào ghế quyền lực cao nhất của Đảng, không chỉ là tham quyền lực, mà còn là cách để bảo vệ ông và gia đình, bởi ông có quá nhiều kẻ thù. Nếu có cơ hội tiễn ông Tổng về chầu trời, ắt ông Bộ trưởng Bộ Công an không bỏ lỡ.
Năm 2024 chỉ vừa mới bắt đầu, sắp tới sẽ là Tết Giáp Thìn. Có thể năm nay, chính trị Việt Nam sẽ có nhiều biến động lớn, đặc biệt là sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu ông Trọng ra đi trong năm nay, có thể, trong Đảng sẽ nổi lên các phe phái tranh giành quyền lực. Thậm chí, những người trước đó cùng thờ chung một chủ, có thể cũng kịch chiến với nhau để giành ghế.
Tô Lâm không còn cơ hội ở lại Bộ Chính trị nếu đợi đến hết nhiệm kỳ. Nếu không thể thay thế ông Nguyễn Phú Trọng vào giữa nhiệm kỳ, thì đến Đại hội 14, mâm cỗ sẽ được dọn cho Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính.
Nếu Phạm Minh Chính còn quyền lực, tức là tiếp tục giữ chức Thủ tướng, hoặc lên Tổng Bí thư, mà Tô Lâm lại về vườn, thì có thể, Tô Lâm sẽ bị trả thù quyết liệt. Tô Lâm không có đường lùi, nên bằng cách nào đó, ông phải chiếm ghế ông Tổng giữa nhiệm kỳ. Với binh quyền trong tay, Tô Lâm có cơ hội “tạo phản” để đoạt quyền lực.
Ý Nhi – Thoibao.de
23.1.2024