Từ chuyện ‘gán con’ đến chuyện ‘phe người’

Ngày 23/1, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Từ chuyện “bán con” đến chuyện “buôn người”’.

Tác giả nhận xét, nhiều người bày tỏ sự xót xa, bất bình trước chuyện tòa tỉnh Trà Vinh phạt ông Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 13 năm tù và bà Thạch Thị Kim Nhung 10 năm tù, vì “mua bán người dưới 16 tuổi”.

Tác giả cho biết, ông Tuấn 29 tuổi, bà Nhung 22 tuổi. Tuy không đăng ký kết hôn, nhưng trên thực tế, họ là vợ chồng suốt 7 năm qua và có với nhau 4 mặt con.

Bởi chỉ có một mình ông Tuấn đi làm để lo cho gia đình 6 người, và lương phụ hồ chỉ 120.000 đồng/ngày nếu có việc, nên cả 2 quyết định bán đứa con thứ tư 2 tuổi, để lấy 18 triệu nuôi dưỡng 3 đứa còn lại và cùng trở thành tội phạm…

Tác giả đánh giá, vụ án này có rất nhiều điểm đáng chú ý. Điểm đầu tiên, khiến nhiều người xót xa, bất bình, là ai sẽ lo cho 4 đứa trẻ, mà đứa lớn nhất mới 6 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Điểm thứ hai là, tại sao hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt đưa tin về sự kiện này, nhưng tường thuật rất ngắn gọn, lờ đi tất cả những tình tiết có liên quan đến hoàn cảnh ngặt nghèo của ông Tuấn và bà Nhung – vốn là nguyên nhân chính dẫn tới việc họ phạm tội, thậm chí còn xuyên tạc bằng cách xác định, họ chỉ là “vợ chồng hờ”?

Điểm thứ ba là, tại sao chỉ có ông Tuấn và bà Nhung – phía bán – bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phía mua – một thanh niên 22 tuổi, tên là Nguyễn Hữu Dương, cư trú ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, lại được miễn trách nhiệm hình sự, vì “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Tác giả phân tích, theo thông tin chính thức, do túng thiếu, ông Tuấn và bà Nhung đã từng tìm những gia đình hiếm muộn để thương lượng về việc giao con gái út, rồi xin chút tiền nuôi ba đứa còn lại, nhưng không thành công.

Cuối cùng, họ phải dùng mạng xã hội và ông Dương xuất hiện! Ông Dương có phải là “chim mồi” – loại “biện pháp nghiệp vụ” của Công an Việt Nam, để bẫy ông Tuấn, bà Nhung, hay là thành viên trong một tổ chức mua bán trẻ con chuyên nghiệp?

Tác giả nhấn mạnh, phải hỏi như thế, vì rõ ràng, lối loan tin của hệ thống truyền thông chính thức về sự kiện này hết sức bất thường!

Đem sự bất thường vừa đề cập, đặt bên cạnh những chỉ trích kéo dài đã vài thập niên từ cộng đồng quốc tế, về việc chính quyền Việt Nam dung dưỡng tệ nạn buôn người. Điều này ắt không thể không liên tưởng đến việc, phải chăng, chính quyền Việt Nam muốn dùng ông Tuấn và bà Nhung, như những “phương tiện”, để chứng minh thiện chí chống buôn người, và sau khi nhận đủ loại trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, năng lực chống buôn người đã được cải thiện?

Tác giả cho hay, tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người 2022”, sau khi khảo sát hoạt động phòng, chống buôn người của 188 quốc gia. Trong đó, Việt Nam bị xếp vào “danh sách đen về tệ nạn buôn người”.

Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam bị xếp vào danh sách này, là cách xử lý vụ H Xuân Siu (người Gia Rai, 15 tuổi, cư trú ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk).

Những bằng chứng rõ ràng cho thấy, một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam đã tuyển cả những bé gái dưới 16 tuổi, làm giả giấy tờ để đưa sang Saudi Arabia làm thuê, mà điển hình là H Xuân Siu. Bé H Xuân Siu đã đổ bệnh vì bị hành hạ, bị bỏ đói, không được chữa trị, van xin được hồi hương nhưng không được hỗ trợ, và đã chết trước khi có thể lên phi cơ.

Tác giả kết luận, so sánh kỹ lưỡng hơn về cách xử lý vụ H Xuân Siu, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế, với việc xử lý hình sự ông Tuấn, bà Nhung, sẽ thấy, không xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, sẽ không có những chuyện như đã biết…

Xuân Hưng – thoibao.de

23.1.2024