Đảng „bụp“ thân mẫu tai hại với lớp trẻ ra sao?

Ngày 23/1, RFA Tiếng Việt có bài “Giáo dân Cồn dầu vừa đến Mỹ tị nạn: “Các con khủng hoảng tinh thần khi chứng kiến cha mẹ bị đàn áp”.

RFA dẫn lời chia sẻ của ông Huỳnh Ngọc Trường, một giáo dân Cồn Dầu (Đà Nẵng), vừa đến Mỹ tị nạn hôm 19/1. Ông kể:

“Chính sự xuống đường của chúng tôi hàng ngày ở Hà Nội gây ra sự cản trở và khó chịu cho chính quyền. Từ đó, chính quyền có những biện pháp mạnh tay hơn đối với tôi và gia đình. Thứ nhất là họ cho người canh cửa, thứ hai là sách nhiễu vợ con của tôi.

Chính bản thân tôi bị đánh đập rất nhiều lần. Từ đó, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải rời bỏ đất nước để mà ra đi thôi, chứ nếu tôi ở lại thì chắc chắn là sẽ ngồi tù.” 

RFA cho hay, ông Trường là một trong hai nhân vật được đưa đến Hoa Kỳ theo một thỏa thuận đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023.

Ông Trường nói:

“Cho đến khi sau chuyến thăm của Tổng thống Biden (đến Hà Nội) thì tôi mới biết, tôi được dùng làm món hàng để trao đổi, chứ trước đó tôi chỉ biết là Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận đơn xin tị nạn của tôi.”

Từ tiểu bang North Carolina, ông Trường cho biết, ông làm hồ sơ tị nạn sau khi bị cấm xuất cảnh và tịch thu passport (hộ chiếu) từ năm 2019. Sau hai lần phỏng vấn bởi đại diện của Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc và Sứ quán Mỹ, ông Trường được Hoa Kỳ chấp thuận cho ông và cả gia đình được định cư ở đất nước này, vào cuối năm 2023.

Ông Trường được chính quyền Hà Nội trả lại passport vào cuối năm 2023, cùng lời nhắn rằng, nên ra đi trong im lặng và đừng có phản ứng, phát biểu gì chỉ trích Nhà nước Việt Nam.

Đáp lại, ông Trường và gia đình vẫn tiếp tục ra Hà Nội khiếu kiện, dù đã sắp sửa rời khỏi Việt Nam. Ông nói:

“Lần này thì họ mạnh tay hơn, đã bắt tôi rất nhiều lần. Họ tịch thu điện thoại và điều tra tôi suốt ba tuần. Nếu không có sự can thiệp của Tổng lãnh sự và các cơ quan quốc tế khác, thì tôi nghĩ là mình sẽ ngồi tù.”

“Tổng lãnh sự có nói chuyện với tôi nhưng mà họ vẫn nói là tôn trọng quyền tự do ngôn luận của tôi và bảo vệ đến cùng. Cho dù tôi có biểu tình hay bị cái gì đi nữa thì vẫn bảo vệ anh đến cùng. Tự do tôn giáo và nhân quyền là lẽ đương nhiên.”

Ông Trường cho biết, chuyện bắt đầu từ năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đã đàn áp mạnh tay giáo dân Cồn Dầu, khi người dân định chôn một giáo dân ở nghĩa trang của giáo xứ, vì chính quyền quy hoạch khu đất này giao cho doanh nghiệp, dù người dân Cồn Dầu không chấp nhận. Vụ đàn áp đã khiến 7 người bị truy tố và nhiều người phải bỏ trốn sang Thái Lan.

Ông Trường cho biết:

“Thì vô hình chung là nó gây sự khó khăn, ghen ghét từ phía chính quyền Đà Nẵng. Từ đó, tôi thành trở thành điểm để người ta chụp mũ, vu khống những tội này tội kia. Cuối cùng, chúng tôi chịu không nổi cái đòn đó và chúng tôi chấp nhận xin tị nạn.”

“Mặc dù sau khi bị đập nhà chúng tôi phải rời đi chỗ khác, nhưng mà vẫn bị an ninh theo dõi liên tục. Họ ngồi trước cửa canh gác rất nhiều ngày, có lúc họ canh cả 15 ngày nửa tháng. Tôi dắt xe đi đâu thì họ chạy theo phía sau.”

“Các con của tôi cũng bị ảnh hưởng. Cái sự canh phòng đó giám sát đó làm cho con của chúng tôi rất khiếp sợ. Bao nhiêu lần họ đến nhà sách nhiễu, đe dọa rồi đàn áp. Tất cả những hành động của họ khiến cho con của tôi không thể nào đi học được, và tôi cho nó nghỉ cho đến khi nào lấy lại được đất và nhà thì chúng tôi tiếp tục cho các con đi học.”

Giờ đây, khi cả gia đình đã đặt chân đến Mỹ, ông Trường cho biết sẽ đi học, rồi kiếm việc làm để sớm ổn định, cho các con trở lại trường học.

Ý Nhi – thoibao.de

24.1.2024