Liệu Nga có “tấn công” NATO?

RFI Tiếng Việt ngày 19/1 có bài “Matxcơva tăng tốc tái vũ trang: Dấu hiệu Nga sẽ tấn công NATO?”

Theo RFI, hôm 18/1, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo tổ chức cuộc tập trận kéo dài đến 4 tháng. Vì sao NATO tổ chức cuộc tập trận với quy mô chưa từng có kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ?

RFI cho biết, mặc dù Nga không bị chỉ đích danh, nhưng Matxcơva – với tham vọng lấy lại nhiều vùng lãnh thổ của đế chế Nga và Liên Xô trước đây – chính là mối đe dọa cận kề mà liên minh quân sự 31 nước buộc phải sẵn sàng đối mặt trong vài năm tới.

Trước đó, vẫn theo RFI, ngày 17/1, trong phiên họp của liên minh quân sự 31 nước tại Bruxelles, các chỉ huy quân sự của khối đã hối thúc các quốc gia đồng minh ‘‘xem xét lại triệt để’’ phương thức hỗ trợ Ukraina, trong cuộc chiến chống xâm lược Nga.

RFI cho hay, không chỉ là ‘‘xem xét lại triệt để’’ phương thức hỗ trợ của các thành viên NATO cho quốc gia tuyến đầu Ukraina, đang phải vất vả đối phó với quân Nga, giới chức quân sự cao cấp của NATO còn kêu gọi thay đổi triệt để cách đối phó với các đe dọa nhắm vào an ninh của khối.

Cụ thể, các xã hội phương Tây cần thay đổi hẳn tâm thế, chuyển hẳn từ một giai đoạn mà mọi thứ đa phần có thể được trù tính, được lập trình, sang thời kỳ sẵn sàng cho điều bất trắc nhất.

RFI dẫn một bài phân tích thời sự trên trang mạng Slate, với một cuộc tấn công giả định của Nga nhắm vào các nước Baltic, và hàng loạt yếu tố khiến phương Tây lâm vào tình trạng khó khăn.

Cuộc khủng hoảng di dân trở thành mối quan tâm số một của người châu Âu. Phe cực hữu hoặc phe hữu cứng rắn lên nắm quyền tại 1/3 các quốc gia châu Âu. Đồng thời, Hoa Kỳ lâm vào cuộc khủng hoảng Hiến pháp chưa từng có, khi mà, sau khi thắng cử năm 2024, Tổng thống Donald Trump một lần nữa ra tranh cử vào năm 2028, trái ngược với quy định của Hiến pháp Mỹ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ tổng thống.

Trong kịch bản giả tưởng này, ngày 1/11, ít ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Liên bang Nga bất ngờ tấn công 3 nước vùng Baltic. Ba Lan tuyên chiến với Nga. Pháp, Đức và Anh tham khảo ý kiến Nhà Trắng trước khi quyết định tham chiến….

Theo Slate, kịch bản này tưởng như rất xa vời, nhưng trong lịch sử, đã không ít lần các báo động về nguy cơ chiến tranh nhãn tiền đã không được người đương thời nhìn nhận nghiêm túc. Ví dụ cuộc xâm chiếm Ba Lan của Phát xít Đức vào năm 1939, cuộc tấn công của đế quốc Nhật vào căn cứ Trân Châu Cảng cuối năm 1941…

RFI dẫn trang Slate, đặc biệt chú ý đến một báo cáo của Hội đồng Đức, theo đó, một Viện nghiên cứu đã vạch ra 5 kịch bản NATO đối phó với cuộc xâm lăng của Nga.

RFI cũng cho biết, ngày 15/1, nhật báo Đức Bild loan tải một kịch bản của Quân đội Đức, về khả năng NATO và Nga xung đột vũ trang ngay từ năm 2025, có thể trở thành hiện thực.

RFI dẫn ý kiến của giới chuyên gia cho rằng, việc Nga tăng tốc tái vũ trang, trong bối cảnh chiến tranh xâm lược Ukraine, là lý do trực tiếp gây lo ngại. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kể trên, với tốc độ sản xuất vũ khí như trên, mối đe dọa quân sự Nga sẽ lên đến mức cực điểm trong khoảng từ 5 đến 10 năm.

RFI cho biết thêm, giới quan sát từ nhiều năm nay lo ngại về mức độ chi tiêu cho quốc phòng của các nước châu Âu. Hiện tại, trong số các thành viên NATO châu Âu, chỉ có Ba Lan và các nước Baltic là có chi phí quốc phòng ngang hoặc trên mức 2% GDP cam kết. Để đối phó với đe dọa chưa từng có kể từ Thế chiến Hai, các thành viên NATO và nhất là các thành viên NATO châu Âu phải có một nỗ lực vượt bậc. Bản báo cáo của cơ quan tư vấn chính sách Đức cho thấy, “cuộc đua ngược kim đồng hồ” đã bắt đầu, việc tái xây dựng cỗ máy quốc phòng của châu Âu phải trở thành ưu tiên hàng đầu của châu lục, trước khi quá muộn.

Quang Minh – thoibao.de

24.1.2024