Tin từ thôn Hoành, làng Đồng Tâm, cho biết, ngày 25/1 (nhằm ngày 15 tháng Chạp Âm lịch), người thân và gia đình cụ Lê Đình Kình đã tổ chức đám giỗ cụ đơn sơ như mọi năm.
Như vậy, đã 4 năm trôi qua, kể từ rạng sáng ngày 9/1/2020, khi hàng ngàn Cảnh sát Cơ động của Bộ Công an với trang bị vũ khí đến tận răng, tấn công vào thôn Hoành, bắn chết cụ Lê Đình Kình – thủ lĩnh tinh thần của bà con xã Đồng Tâm.
Vụ tấn công của khoảng 3.000 cảnh sát này vào thôn Hoành, liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai. Đây là vụ tranh chấp giữa dân làng và chính quyên, đáng ra phải được giải quyết theo Luật Dân sự. Nhưng chính quyền Việt Nam và Bộ Công an đã chủ trương sử dụng bạo lực để giải quyết. Kết quả, vụ tấn công đã khiến 3 sĩ quan cảnh sát và một thường dân là cụ Lê Đình Kình thiệt mạng.
Cụ Lê Đình Kình, cựu chiến binh, 84 tuổi đời, 58 tuổi Đảng, đã bị chính các đồng chí của mình bắn chết trong phòng ngủ, bằng một viên đạn xuyên tim. Bên cạnh đó, con cháu cụ và hàng chục người dân Đồng Tâm bị bắt giam, truy tố về các tội “giết người”, “tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “chống người thi hành công vụ”.
Không dừng lại đó, chính quyền còn cho mổ phanh thi thể cụ Kình, như đã thấy trong clips và hình ảnh mà gia đình chia sẻ, khi tiếp nhận thi hài cụ.
Trong “Đơn Tố giác tội phạm” gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hà Nội, liên quan đến việc cụ Lê Đình Kình bị bắn chết ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020, của người dân – trong đó có các nhân sĩ trí thức tên tuổi của Việt Nam, cho biết: “ông Kình đã bị bắn từ cự ly gần vào tim, vào đầu, bị đánh trật khớp đầu gối và chết, đồng thời xác ông Kình đã bị mổ và được trao lại cho gia đình để mai táng”.
Công luận trong nước và quốc tế đánh giá, đây là vụ việc gây khủng hoảng nghiêm trọng nhất, trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, từ trước đến nay. Thậm chí, vụ Đồng Tâm còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cuộc nổi dậy của hàng vạn nông dân tỉnh Thái Bình, đứng lên chống tham nhũng vào năm 1997. Bởi trong sự kiện Thái Bình không có người chết.
Vào thời điểm sự việc nói trên kết thúc, công luận và giới trí thức phản biện thấy rằng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và Quốc hội Việt Nam cần họp gấp, cũng như, cần mở một Uỷ ban điều tra riêng và độc lập, để làm rõ, ai là người ra quyết định tiến hành vụ tấn công ở xã Đồng Tâm, vào rạng sáng ngày 9/1/2020.
Trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, phần nói về “Tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm”, dẫn lời của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Luật pháp và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội, ngày 11/01/2020:
“Một nhóm lợi ích nào đó đang phá hoại đất nước này và đang phá hoại chế độ này bằng việc ra lệnh sử dụng vũ lực đàn áp người dân, theo tôi đánh giá nó là vấn đến như vậy và lối thoát ở đây, tôi lưu ý rằng Bộ Chính trị cần phải họp gấp,”.
Hơn thế nữa, theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), đã tiết lộ một điều được cho là khá bất ngờ, đó là Kế hoạch 419A. Được biết, đây là Kế hoạch do Công an TP. Hà Nội soạn thảo và được Bộ Công an phê duyệt, đây là bằng chứng cho thấy, chính quyền Việt nam đã bật “đèn xanh” để cho phép lực lượng công an huy động hàng nghìn cảnh sát bao vây và tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trong đêm rạng sáng ngày 9/1/2020.
Nhưng đến nay, bản Kế hoạch 419A vẫn nằm trong vòng bí mật. Giới chuyên gia luật pháp thấy rằng, cần phải làm rõ, việc lực lượng vũ trang của Bộ Công an tấn công vào xã Đồng Tâm, có vượt quá chức năng, nhiệm vụ, công vụ, của công an hay không?
Nếu Kế hoạch 419A là trái pháp luật, thì những người chịu trách nhiệm chính, những người lập ra kế hoạch đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Đào Tăng Dực từ Úc, trong bài viết, “Vụ án Đồng Tâm và tội ác chống nhân loại”, đã đánh giá: “Đồng Tâm hội đủ các yếu tố để những thành phần tội ác, từ những sĩ quan công an liên hệ đến thành phần chóp bu như Bộ trưởng Công an Tô Lâm, và ngay cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bị truy tố về một trọng tội có tầm vóc kinh tởm nhất lịch sử loài người: Đó là tội ác chống nhân loại”.
Xin nhắc lại, vào thời điểm xảy ra vụ việc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế đã ra thông cáo, kêu gọi chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ cưỡng chế đổ máu ở Đồng Tâm. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, ngày 15/1/2020, trong bài đưa tin, đã gọi sự kiện ở Đồng Tâm là “Thảm sát Đồng Tâm” – (Dong Tam Massacre).
Người Việt Nam có câu, “Trời có mắt”, muốn nhắc tới một triết lý, một niềm tin vĩnh cửu: “Con người, ai sống nhân từ bác ái thì Trời phù hộ, còn kẻ ác thì Trời sẽ trừng phạt”. Những kẻ gây tội ác ở Đồng Tâm ngày hôm qua, hãy chờ “quả báo” tìm đến trong một ngày không xa./.
Trà My – Thoibao.de
26.1.2024