Biến “trách nhiệm chính trị” thành trò hề

Ngày 5/2, blog Trân Văn trên VOA có bài ‘“Trách nhiệm chính trị” và… Bộ Chính trị”.

Tác giả mỉa mai, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục biến “trách nhiệm chính trị” thành show, mà thiên hạ chỉ có thể lắc đầu nguầy nguậy!

Theo đó, tại phiên họp bất thường ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã “đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên BCH TƯ đảng khóa này”.

Tác giả bình luận, nói cách khác, Bộ Chính trị nói riêng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 nói chung, không trách móc, phiền hà gì về ông Trần Tuấn Anh. Ông ta tự giác thôi mọi thứ vì… “tự trọng”, bởi “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”, nên đột nhiên đứng dậy “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu”.

Theo tác giả, muốn biết ông Trần Tuấn Anh có “tự trọng” hay không, và khả năng ông ta tự giác tới cỡ nào, thì cần nhìn lại những chuyện đã xảy ra…

Tác giả nhắc lại dự án xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận hồi 2016. Các nhà khoa học và những người am hiểu vùng này đã phân tích rất cặn kẽ rằng, ở vùng đất khô hạn Ninh Thuận, dù gom hết nước từ tất cả các nguồn, cũng không đủ để vận hành nhà máy, chưa kể, sẽ làm dân trong toàn tỉnh chết khát và khu vực Nam Ninh Thuận sẽ bị sa mạc hóa.

Tuy nhiên, tác giả cho hay, ông Trần Tuấn Anh đã mang hàm Bộ trưởng của ông ra đánh cược (sẽ từ chức nếu dự án không thành công). Sở dĩ ông sửng cồ như vậy, vì dự án này do Công ty Tôn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Mà ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tôn Hoa Sen – là chồng của bà Trần Mỹ Hạnh, em gái của vợ ông Trần Tuấn Anh! Dự án này sau đó bị Chính phủ ra lệnh tạm dừng, Tôn Hoa Sen rút lui…

Nhưng ông Trần Tuấn Anh vẫn cứ làm Bộ trưởng Công thương đến 2021, và gây ra thêm nhiều scandal nữa. Ví dụ như, điều công xa đến tận chân thang của phi cơ để đón vợ con.

Tác giả nhận xét, phạm vi trách nhiệm của Bộ Công thương rất rộng, và hiệu quả hoạt động của Bộ này liên quan mật thiết đến kinh tế – xã hội Việt Nam, nhưng việc soạn thảo – đệ trình chính sách, thực hiện các kế hoạch về “quốc kế, dân sinh” của Bộ Công Thương, chẳng khác gì nhận lương để… phá. Thế nhưng ông Trần Tuấn Anh vẫn tiếp tục thăng tiến…

Tác giả đặt câu hỏi: Vì sao Bộ Chính trị, rộng hơn là Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 không áp dụng các qui định của Đảng và của pháp luật, để truy cứu trách nhiệm của “người đứng đầu”, mà lại chấp nhận cho ông Trần Tuấn Anh tự từ chức?

Khả năng cho phép tự từ chức, chỉ có thể xảy ra khi cần “thỏa hiệp”, hoặc để tránh việc Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm vì lựa chọn thành viên, điều hành hoạt động kém cỏi; thậm chí có tiêu cực, dẫn tới tình trạng “nhiều uỷ viên Bộ Chính trị” cũng “vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính”.

Tác giả đánh giá, chỉ trong vòng 1 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã nhất trí để 3 uỷ viên Bộ Chính trị “thoát ly” . Trừ ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng) bị loại trừ chưa rõ lý do, ông Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch nước) cũng “thoát ly” với lý do tương tự như ông Trần Tuấn Anh. Sắp đặt như thế có khác gì “vinh danh” ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh, vì chỉ có họ mới đủ “tự trọng” để từ chức, thành ra “tư cách” hơn xa các thành viên còn lại trong Bộ Chính trị.

Tác giả tiếp tục thắc mắc, tại sao các thành viên còn lại trong Bộ Chính trị chưa “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân” và thoái thác “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu”? Họ không “dũng cảm” bằng ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh?

Tại sao các thành viên còn lại trong Bộ Chính trị lại thiếu khôn ngoan đến mức chọn phương thức xử lý giống như tự thóa mạ mình, và biến “trách nhiệm chính trị” thành trò hề không ai cười nổi như vậy?

 

Thu Phương – thoibao.de

5.2.2024