Ngày 6/2, báo Tiếng Dân đăng phần 1 của loạt bài “Vì sao Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh “ngã ngựa?” của tác giả Phạm Vũ Hiệp.
Thoibao.de tóm tắt và giới thiệu nội dung bài viết này đến quý khán thính giả, như sau:
Còn 2 năm nữa Đại hội 14 của Đảng mới khai mạc, nhưng các phe nhóm trong Đảng đã sớm ra tay. Việc Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bị mất tất cả các chức vụ, về vườn đuổi gà, cũng không lấy gì làm lạ, bởi các đối thủ toan tính, ủ mưu từ rất lâu.
Trần Tuấn Anh sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi, là con trai thứ của ông Trần Đức Lương, Chủ tịch nước giai đoạn 1997 – 2006. Chị gái của Tuấn Anh là Trần Thị Minh Anh, từng nắm chức Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Năm 2008, Trần Tuấn Anh từ Mỹ trở về Việt Nam và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Cần Thơ. Rắc rối bắt đầu từ năm 2010, khi Phó chủ tịch Cần Thơ cặp kè với người đẹp Thuỷ Hương.
Thủy Hương, người đàn bà đa đoan và qua mấy mấy lần đò này là tâm điểm, khởi nguồn của mọi rắc rối cho Tuấn Anh sau này. Bản thân Tuấn Anh là “thái tử” hào hoa, nhiều năm sống ở Mỹ, có địa vị xã hội, lắm tiền, hoạn lộ phơi phới, đã ly hôn, nên nhiều gái đẹp vây quanh.
Chọn một phụ nữ U50, đã có hai con, nhiều thị phi như Thuỷ Hương làm vợ, xem ra Tuấn Anh cũng rất “chịu chơi”. Cũng vì vậy mà Tuấn Anh bị đồn thổi ăn chơi, gái gú, xài tiền như nước. Thuỷ Hương cũng được thêu dệt sống vàng son như quý phi, ăn bào ngư vi cá, ship các món từ Sài Gòn ra Hà Nội v.v…
Năm 2016, Trần Tuấn Anh ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công Thương. Từ đây, các phe nhóm trong Đảng bắt đầu “vạch lá tìm sâu”, tấn công Tuấn Anh.
Cuối năm 2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bị dư luận réo tên trong “siêu dự án” Thép Cà Ná, do Tập đoàn Hoa Sen triển khai. Lý do đơn giản, Tuấn Anh với Lê Phước Vũ, ông chủ dự án nêu trên, là hai anh em cọc chèo.
Tháng 1/2018, 1 đơn tố cáo nhân danh “cán bộ công tác tại Bộ Công Thương”, gửi đến Tổng Trọng và các lãnh đạo Đảng, tố cáo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Trần Hữu Linh, Chánh văn phòng Bộ, có “hành vi đồi bại, suy thoái đạo đức”, “tham nhũng và lộng quyền”. Đơn viết thật dài, nhưng dễ nhận ra kiểu “đánh dưới thắt lưng”, bịa đặt vô căn cứ và kém thuyết phục. Vụ này nhanh chóng bị quên lãng.
Đầu năm 2019, một “cơn bão” khác lại nổi lên, đó là, xe công vụ của Bộ Công thương được điều đến sát cầu thang máy bay để đón Thuỷ Hương, vợ Tuấn Anh. Sự vụ nóng đến nỗi, Bộ trưởng Tuấn Anh phải viết thư giải trình.
Cùng lúc đó lại có đơn thư nặc danh, xưng là “Tập thể các lái xe ở Bộ Công thương tố cáo ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh”, gửi lãnh đạo Đảng và nhà nước. Sau đó, thấy việc “ném đá giấu tay” không hiệu quả, những kẻ tấn công chuyển sang trò chơi công khai.
Tháng 4/2019, một thư tố cáo “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đe doạ công dân”, cũng liên quan vụ xe công đón Thuỷ Hương tại sân bay, được gửi các lãnh đạo Đảng, các đại biểu Quốc hội. Người tố cáo là Nguyễn Thắng Cảnh, sinh năm 1956, đăng ký hộ khẩu thường trú tại 110 A4, ngõ 8A, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội.
Nguyễn Thắng Cảnh từng là bộ đội Biên phòng, công tác tại báo Cựu chiến binh. Cảnh có mối quan hệ với một số sĩ quan thuộc Cục An ninh Bộ Công an.
Thật ra, nhiều quan chức Cộng sản được ô tô biển xanh đón tại chân cầu thang máy bay, như Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Bá Thanh, Thân Đức Nam, hay Vũ “nhôm” và nhiều bộ trưởng khác.
Trần Tuấn Anh hiểu rõ nhất, trước thềm Hội nghị Trung ương 10 khoá 12, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội tiếp theo, các “đồng chí yêu quý” bắt đầu tìm cách “săn sóc” các đối thủ chính trị. Là nhân vật được quy hoạch Phó Thủ tưởng nhiệm kỳ 2021 – 2026, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, bị đem ra “sới vật” đầu tiên, nhưng may mắn vẫn mỉm cười với Tuấn Anh.
Năm 2021, Tuấn Anh bất ngờ trúng Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13. Các đối thủ giấu mặt trong Đảng rất cay cú. Họ quyết tâm tìm cách buộc Tuấn Anh phải từ giã chính trường.
Hoàng Anh – thoibao.de
6.2.2024