Ngày 7/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Bang Nam Australia tạm dừng nhận học sinh từ ba tỉnh miền Trung Việt Nam”.
Theo đó, bang Nam Australia quyết định tạm dừng việc nhận học sinh đến từ 3 tỉnh miền Trung Việt Nam, sau khi xảy ra vụ 4 học sinh người Việt mất tích tại bang này.
RFA cho hay, truyền thông Nhà nước Việt Nam, ngày 6/2, dẫn thông báo của Cơ quan Giáo dục bang Nam Australia, về quyết định vừa nêu. Cụ thể, bắt đầu từ năm học này, các trường tại bang Nam Australia sẽ không nhận học sinh phổ thông và trung học cơ sở, đến từ 3 tỉnh miền Trung Việt Nam, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình, cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, học sinh Việt Nam từ các tỉnh khác, gồm Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, cần nộp thêm giấy cam kết đến Australia để học tập và có kế hoạch học tập cụ thể. Đến tháng 8/2024, các quy định đối với học sinh 3 tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng sẽ được xem xét lại.
Theo RFA, Quyết định vừa nêu của bang Nam Australia được đưa ra, sau khi xảy ra vụ việc có 4 học sinh Việt Nam mất tích hồi đầu năm nay. Hiện nay, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney đang phối hợp với Cảnh sát bang Nam Australia, trong công tác tìm kiếm các học sinh mất tích này.
RFA cho biết thêm, thống kê cho thấy, mỗi năm có hàng trăm học sinh Việt Nam sang bang Nam Australia học tại 150 trường ở đó. Kể từ khi bang Nam Australia bắt đầu tiếp nhận học sinh quốc tế hồi năm 1989, có hàng nghìn học sinh Việt Nam đến bang này.
Việc học sinh ở các tỉnh miền Trung bị một số nước cấm đến nước họ du học, không phải chuyện mới. Tình trạng chung là các nước tiếp nhận du học sinh Việt Nam đều e ngại những học sinh đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh. Những lý được đưa ra như: số lượng du học sinh từ những tỉnh này trốn ra ngoài nhiều; số buổi không đến trường tăng cao, thậm chí là nhờ điểm danh hộ…
Những du học sinh trốn trường, bỏ học ra ngoài, đa số đều tìm việc làm lậu, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật của nước sở tại.
Tại Úc, rất nhiều người Việt cư trú bất hợp pháp tham gia vào công việc trồng cần sa – một công việc bị cấm ở Úc. Một cuộc bố ráp của cảnh sát Úc vào tháng 11/2023, đã bắt giữ 11 sinh viên Việt Nam. Và còn nhiều những vụ bắt giữ tương tự tại Úc, điều đáng nói là đa số những người này đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong cuốn tự truyện Đường Xanh Viễn Xứ của tác giả Nguyễn Tô Giang, thuật về quãng thời gian ông sống trong thế giới ngầm ở Úc, cho biết, nhiều “du học sinh” miền Trung Việt Nam đến Úc với mục đích kiếm tiền, làm giàu nhanh. Và con đường nhanh nhất của họ là “trồng cần sa” – tiếng lóng là “chăn mèo”.
Trong cuốn sách của mình, ông Giang không ngần ngại chỉ ra những mánh khóe nghề, từ việc ăn cắp điện, cách vận chuyển, cho đến cách tạo vỏ bọc “thiện lương” với hàng xóm, và cả những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp ở Úc.
Có lẽ, như lời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?” Khi mà người Việt, đặc biệt là những người xuất thân từ quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh – cái nôi của Cách mạng – đang phải tìm đủ mọi cách, bằng đủ các con đường, từ hợp pháp đến bất hợp pháp, kể cả phạm tội, để thoát khỏi Việt Nam, để mong được đổi đời nơi xứ người.
Thực trạng bi thảm của người Việt hôm nay, quả là “công ơn trời biển” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban tặng cho đất nước này, dân tộc này!!!
Quang Minh – thoibao.de
7.2.2024