Ngày 12/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói sẽ phòng ngừa từ xa những yếu tố bất lợi, bảo vệ tư tưởng của Đảng”.
RFA dẫn lời tuyên bố của người đứng đầu Bộ Công an, trong bài phỏng vấn với Đài truyền hình Việt Nam (VTV), nhân dịp Tết Nguyên đán, rằng:
“Lực lượng Công an Nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, tư duy, nhận thức mới của Đảng về an ninh quốc gia, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không để xảy ra bị động”, và sẽ “tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới”.
Tổng kết năm 2023, ông Tô Lâm khẳng định kết quả bao trùm của công an, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận là góp phần “giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước”.
Theo thống kê của RFA, năm 2023 đã có ít nhất 47 người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị bắt giữ. Trong số này, có khoảng 30 người bị cáo buộc vi phạm Điều 331 và Điều 117 của Bộ luật Hình sự, là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Đây là 2 điều luật đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là mơ hồ, và được dùng để bị miệng những người dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ và Đảng Cộng sản một cách ôn hòa.
Những tuyên bố của ông Tô Lâm không mới, chỉ là sự tái khẳng định lòng trung thành, một lòng bảo vệ Đảng của ông.
Ai cũng biết, “phòng ngừa từ xa” mà ông Tô Lâm đề cập, là sự đàn áp, bắt bớ tất cả những người đối lập, những người bất đồng chính kiến với Đảng. Và quả thực, ông Tô Lâm đã rất thành công. Kể từ khi Tô Lâm lên làm Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2016 đến nay, sự đàn áp chỉ có tăng chứ không hề giảm, dù phong trào dân chủ đã cực kỳ suy yếu.
Phong trào đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền và chống Trung Quốc ở Việt Nam, tuy khá yếu so với Hong Kong, Myanmar, nhưng cũng từng có hàng chục ngàn người tham gia, với các cuộc xuống đường rầm rộ năm 2016 để bảo vệ môi trường, hay năm 2018 để phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, đến nay, phong trào kể như đã hoàn toàn tan rã, dưới sự truy bức của các lực lượng công an chìm nổi.
Hàng trăm người đã bị bắt và hàng ngàn người khác phải chạy trốn dưới sự truy đuổi của lực lượng công an. Rất nhiều hội nhóm đã tan rã hoàn toàn. Gần nhất, có thể kể đến sự trốn chạy của các cựu tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động, như Nguyễn Viết Dũng (còn gọi là Dũng Phi Hổ), hay gia đình Nguyễn Tiến Trung…
Công an thậm chí còn bắt bớ cả những nhà hoạt động đã ngừng tham gia phong trào, như cựu admin trang Nhật Ký Yêu Nước Phan Tất Thành, bị bắt vào tháng 7/2023; hay cựu thành viên CHTV Phan Văn Bách, bị bắt vào cuối tháng 12/2023…
Sau khi đàn áp thẳng tay những người nổi tiếng hoặc người làm truyền thông trong phong trào, Tô Lâm tiếp tục cho bắt bớ bất kỳ ai, dù chỉ có một vài bài viết không được chú ý lắm trên mạng xã hội. Ví dụ, Facebooker Trần Văn Khanh, sinh năm 1962, ở Cà Mau đã bị bắt chiều 2/2, ngay trước Tết Nguyên đán 2024, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Sự tàn khốc trong phương pháp của Tô Lâm, không chỉ sử dụng đàn áp thô bạo, mà còn cho rỉ tai những thông tin bịa đặt gây mất đoàn kết nội bộ trong các hội nhóm, khiến các hội nhóm này tự tan rã. Cách làm này đã huỷ diệt niềm tin giữa người Việt với nhau, không chỉ làm cho phong trào suy yếu, mà còn khiến người Việt trở nên vô cảm, thậm chí thù địch lẫn nhau.
Thu Phương – thoibao.de
12.2.2024