Từ Lê Duẩn đả Bắc Kinh triệt để đến sự đầu hàng của Nguyễn V. Linh?
Sự vô trách nhiệm của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với những anh hùng tử sĩ đã ngã xuống, để bảo vệ tổ quốc trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc, là điều mà ai cũng thấy.
Sự thờ ơ của lãnh đạo cấp “tứ trụ” đương nhiệm, không chỉ là việc họ không đến thắp hương tưởng niệm, mà họ còn không dám mở miệng nhắc đến sự kiện lịch sử này.
Trang nhất báo Quân Đội Nhân Dân phát hành ngày 17/2/2024, không dành một dòng chữ nào để nói về cuộc chiến biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược, ngày 17/2/1979.
Dư luận xã hội nguyền rủa rằng, đây không chỉ là sự phản bội lại nhân dân, mà còn cho thấy, thế hệ lãnh đạo Đảng ngày nay sẵn sàng phản bội lại lớp tiền bối của họ, để bảo vệ lợi ích nhóm và quyền lợi cá nhân. Mà đỉnh cao là sự kiện Hội nghị Thành Đô, khi Ban lãnh đạo Việt Nam chính thức đầu hàng Trung Quốc một cách nhục nhã, là một minh chứng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn được đánh giá là một người chống Trung Quốc cực đoan và triệt để. Nhưng, sau khi ông Lê Duẩn qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã quay ngoắt 180 độ.
Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đều coi Lê Duẩn và Nguyễn Văn Linh là “những nhà lãnh đạo kiệt xuất”, đã cống hiến cho đất nước. Mà Đảng không cần phân định đúng sai, công tội, là điều hoàn toàn mâu thuẫn.
Nếu Lê Duẩn chống Tàu vì lợi ích, vì chủ quyền quốc gia, thì Nguyễn Văn Linh và những kẻ bám đuôi Tàu phải bị coi là những kẻ bán nước. Ngược lại, nếu Lê Duẩn chống Trung Quốc một cách mù quáng, cực đoan, khiến cuộc chiến biên giới kéo dài hơn 10 năm, đẩy đất nước đến tụt hậu và bế tắc, thì Lê Duẩn phải bị coi là tội đồ.
Các tư liệu lịch sử tuyên truyền của nhà nước Việt Nam hay dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Tại sao Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1.000 năm mà không đồng hóa được ta, và người Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm tham vọng ấy”.
Dù rằng, trong suốt cuộc chiến ý thức hệ hơn 20 năm (1954 – 1975), Trung Quốc là quốc gia đồng minh, đã chi viện và giúp đỡ rất lớn cho Bắc Việt, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn kiên định lập trường: “Chừng nào tôi còn ngồi đây, thì tôi không cho một kẻ nào nghĩ trong đầu rằng, có thể cướp được đất nước Việt Nam này”.
Đỉnh điểm là Hiến pháp Việt Nam 1982 sửa đổi dưới thời Lê Duẩn làm Tổng Bí thư, đã nêu đích danh “bá quyền Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của Cách mạng Việt Nam”.
Sau khi Lê Duẩn qua đời, người kế nhiệm ông là ông Nguyễn Văn Linh. Ban đầu, Nguyễn Văn Linh vẫn đi theo đường lối chống Trung Quốc của Lê Duẩn. Lúc đó, Việt Nam đang bị thế giới cô lập và cấm vận, sau chiến thắng 1975, và phải dựa vào Liên Xô và khối Đông Âu.
Đến cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô tan rã, phe Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, không còn chỗ dựa, Nguyễn Văn Linh đã từ bỏ quan điểm chống Trung Quốc của Lê Duẩn, quay ngoắt sang đầu hàng Trung Quốc một cách đê tiện nhất.
Hồi ký của ông Lý Gia Trung, cựu cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tiết lộ:
Ngày 5/6/1990, qua sự nỗ lực của nhiều bên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hội kiến Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam Trương Đức Duy tại Nhà khách Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước tiên, Nguyễn Văn Linh nhờ Đại sứ Trương chuyển lời hỏi thăm của ông tới các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng.
Nguyễn Văn Linh nói, trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, ông từng nhiều lần đi Trung Quốc, đã gặp Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình… là những người cùng thế hệ với Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Linh là học trò của họ.
Vẫn theo Nguyễn Văn Linh, “Trong thời kỳ Cách mạng và kháng chiến, cũng như trong nhà tù của kẻ địch, ông luôn luôn học tập và nghiên cứu trước tác của Mao Chủ tịch bàn về cách mạng dân tộc dân chủ, được lợi không ít.
Việt Nam thực thi học thuyết chiến tranh nhân dân là học tư tưởng chiến tranh nhân dân của Mao Chủ tịch, rồi vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc thì Việt Nam không thể đánh bại đế quốc Mỹ.”
Nguyễn Văn Linh còn nói, sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, toàn quốc thống nhất, Việt Nam lẽ ra nên tập trung lực lượng xây dựng kinh tế, nhưng đã xuất hiện tình hình khó khăn và phức tạp không ngờ tới, mười mấy năm nay, Việt Nam càng gian khổ hơn thời kỳ chống Mỹ, đời sống ngày càng khó khăn, đặc biệt là mối quan hệ Việt –Trung xuất hiện khó khăn.
Đồng thời, Nguyễn Văn Linh thừa nhận, Việt Nam đã làm một số việc không tốt với Trung Quốc, đã sai thì phải sửa. Mong các đồng chí Trung Quốc thông cảm và bỏ qua những chuyện này, theo đó, “Hai nước Việt Nam – Trung Quốc là láng giềng Xã hội Chủ nghĩa. Việt Nam là nước nhỏ, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng nhỏ, chúng tôi rất cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của một nước lớn, Đảng lớn như Trung Quốc.”
Theo tác giả Lý Gia Trung, Nguyễn Văn Linh khẳng định, đây là lời thực lòng của ông.
Những điều kể trên để chúng ta cùng thấy, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng điều gì hơn: Chủ nghĩa Xã hội hay lợi ích của dân tộc?./.
Trà My – Thoibao.de