Vì sao người dân không thể có kỳ vọng gì vào Đại hội 14 của Đảng
Ngày 26/2, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Đại hội Đảng 14: không thể kỳ vọng gì vào tuyên bố đổi mới của ông Trọng!”
RFA dẫn khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14, hôm 23/2:
“Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển đất nước, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.”
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí ở Hà Nội, nhận xét với RFA rằng:
“Trong nhân gian vẫn có câu chuyện đùa, mỗi Đại hội đều kết luận tiến được một bước… Cho nên, qua mười mấy cái Đại hội, thì dân tộc đã tiến được mười mấy bước. Nhưng theo tôi, cũng như mọi lần, nếu mà vẫn còn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn còn thể chế chính trị độc đảng như thế này, không có tam quyền phân lập, không có tự do ứng cử, bầu cử, đề cử… thì chẳng thấy hy vọng gì mới cả, mà thậm chí nó còn càng ngày càng đi xuống.”
Ông T., một cư dân Sài Gòn, thì nói với RFA:
“Đại hội Đảng là của Đảng chứ sao của nhân dân được? Toàn bộ những người đi tham gia Đại hội đó là đảng viên, không có một người dân nào ngồi trong Đại hội đó hết… Nói chung, người lao động họ không quan tâm đâu, những người lao đầu tắt mặt tối chỉ lo kiếm cơm qua ngày, qua tháng… Họ không biết Đại hội Đảng tổ chức ngày nào, lần thứ bao nhiêu…”
RFA dẫn lời một bạn trẻ ở Phú Thọ cho biết:
“Thật ra, mình không quan tâm đến các kỳ Đại hội Đảng đâu… Thật sự mình thấy nó rất là quan trọng, tại vì Đảng lãnh đạo mà, Đảng cầm quyền mà, thì chắc chắn, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân, ảnh hưởng lớn chứ không phải là ít. Tuy nhiên, mình biết là quan trọng nhưng mình không quan tâm, tại vì mình thấy là Đảng nói nhiều, hứa nhiều, nhưng mà làm được ít lắm.”
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn nhận định với RFA:
“Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại cho đến nay, dựa trên hai yếu tố quan trọng. Về chính trị, đó là một chế độ độc đảng toàn trị; về kinh tế, thì đó là một nền kinh tế phi thị trường. Cùng với yếu tố căn bản này, thì bộ máy tổ chức cũ, tính từ sau Cách mạng Tháng tám đến nay, theo các nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng tuyệt đối cấp trên… Mô hình này phản ánh Đảng không cần pháp luật, mà pháp luật chỉ là hình thức.”
Ý thứ hai, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, tất cả những cái gì gọi là đổi mới, chỉ nhằm thích ứng với thời cuộc. Do đó, sự đổi mới chỉ mang tính chất tạm bợ, phản ánh hình thức, chứ không phải nội dung; phản ánh hiện tượng chứ không phải bản chất…
“Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới nay, vẫn “kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nhưng đã kiên định rồi thì không thể vận dụng, Chủ nghĩa Mác Lênin như thế nào thì phải làm đúng như vậy. Đã kiên định thì không thể phát triển sáng tạo. Thêm nữa, cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh là không có được. Ngoài ra, Đảng nói tinh thần độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội… cặp đôi này rất là phản khoa học. Bởi vì độc lập dân tộc thuộc chủ nghĩa yêu nước, còn Chủ nghĩa Xã hội là tính chính trị.”
“Vì vậy, Đại hội Đảng sắp tới, họ cho rằng sẽ đổi mới, thì người dân như tôi thấy nó chỉ mang tính tạm bợ. Ví dụ, họ có thể thay đổi một số cái, như Điều lệ Đảng chẳng hạn, nhưng nó chỉ là hình thức chứ không phải nội dung, chỉ phản ánh hiện tượng nhưng với bản chất không thay đổi.”
Tóm lại, theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, Đảng còn dựa trên triết học Mác – Lênin, còn dựa trên cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, thì hoàn toàn không có gì là đổi mới và người dân không thể có kỳ vọng gì.
Hoàng Anh – thoibao.de