Hộ chiếu Việt Nam gần cuối bảng Đông Nam Á
Ngày 28/2, BBC Tiếng Việt có bài “Hộ chiếu Việt Nam gần cuối bảng Đông Nam Á; nhiều người “tậu” quốc tịch thứ hai”.
BBC dẫn bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu năm 2024, của Công ty chuyên đầu tư về di cư Henley & Partners, theo đó, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 92/199 quốc gia, tụt 5 hạng so với năm 2023.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu của Việt Nam chỉ “quyền lực” hơn mỗi Lào và Myanmar.
BBC dẫn lời đại diện Công ty Henley & Partners, cho biết:
“Chỉ số Hộ chiếu Henley dựa trên nguyên tắc rất đơn giản, là xếp hạng 199 hộ chiếu trên thế giới theo số lượng điểm đến (tổng cộng 227 điểm đến trên toàn thế giới) mà công dân của nước đó (hoặc vùng lãnh thổ đó) có thể nhập cảnh mà không cần xin thị thực.”
BBC cho biết, Công ty Henley & Partners ghi nhận, số lượng khách hàng là công dân Việt Nam nộp đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch “tăng đột biến”, và Việt Nam đứng thứ 4 toàn cầu về số người đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch thông qua Công ty này.
Tính tới thời điểm hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á, khách hàng Việt Nam chiếm 25% khách hàng của Công ty.
Tiết lộ từ phía Công ty Henley & Partners cho thấy, hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và Sài Gòn. Đa số họ là những chủ sở hữu doanh nghiệp trong các ngành như dệt, may mặc, ô tô, bất động sản, tài chính công nghệ… và những người kinh doanh tiền điện tử.
BBC đề cập đến một tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar), phản ánh việc hàng chục quan chức cấp cao và gia đình họ đã mua cái gọi là “hộ chiếu vàng” của Cyprus (Síp), từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.
Việt Nam có 26 cá nhân xuất hiện trong hồ sơ này, trong đó có vợ chồng Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ chồng ông Phạm Nhật Vũ – người tại thời điểm đó đang thụ án tù 3 năm, vì tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG.
Theo ghi nhận của BBC, dù không một cơ quan ngoại giao nước ngoài nào công khai nói họ e ngại hộ chiếu Việt Nam, nhưng các thông tin trên mạng xã hội mô tả bức tranh thường xảy ra ở các cửa khẩu EU, Anh, Mỹ, là người mang hộ chiếu Việt Nam bị rà soát kỹ hơn, kể cả khi có visa.
BBC nhắc lại việc Đức và sau đó là một số nước khác, như Tây Ban Nha, Cộng hoà Czech… dừng cấp thị thực đối với những người Việt Nam mang hộ chiếu không có “Nơi sinh”, hồi đầu tháng 7/2022.
Bên cạnh đó, BBC cũng nhắc đến một số vụ nhập cư lậu gây chấn động, như vụ 39 người Việt chết trong container tại Anh vào tháng 10/2019, hay vụ 9 người trong đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bỏ trốn tại Hàn Quốc vào tháng 4/2028, làm cho vấn đề đi lại của người Việt Nam vào các quốc gia phát triển càng bị chú ý.
Mặt khác, vấn đề thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn ở Nhật cũng dấy lên những lo ngại.
Theo BBC, theo bảng xếp hạng toàn cầu năm 2024 vừa được công bố trong tháng 2, 6 cuốn hộ chiếu mạnh nhất, cùng chia sẻ vị trí số 1, là Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha, với 194 điểm đến được miễn visa, hoặc chỉ cần xin visa ở cửa khẩu.
Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi Henley Passport Index bắt đầu công bố bảng xếp hạng 19 năm trước.
Vẫn theo BBC, Nga liên tục tụt hạng kể từ khi xâm lược Ukraine, năm nay đứng vị trí 53.
Các nước “chót bảng” là những quốc gia đang có xung đột chính trị, như Pakistan, Somalia, Iraq, Afghanistan và Syria.
BBC cho biết thêm, chỉ số hộ chiếu toàn cầu năm 2024 của Henley & Partners, bao gồm 199 hộ chiếu và 227 điểm đến.
Theo Henley, việc đánh giá, xếp hạng hộ chiếu dựa trên dữ liệu độc quyền của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế. Cứ mỗi điểm đến được miễn visa, hộ chiếu quốc gia đó sẽ được cộng 1 điểm.
Minh Vũ – thoibao.de