Đảng soạn thảo văn kiện Đại hội 14, nỗ lực biện minh cho “làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội” (phần một)
Ngày 5/3, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Đảng soạn thảo văn kiện Đại hội 14, nỗ lực biện minh cho “làn sóng thứ 3 của Chủ nghĩa Xã hội”’, của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ – nguyên Trưởng khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam.
Tác giả đề cập đến phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14, vào ngày 23/2, tại đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định “4 kiên định”, đều xoay quanh ý thức hệ Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Mác – Lênin, mà Đảng cần phải biện minh, bảo vệ, để duy trì chế độ toàn trị.
Theo tác giả, bối cảnh phức tạp, cả trên toàn cầu và trong nước hiện nay, đã dẫn đến yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng ngăn chặn xu hướng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của quan chức chế độ. Sự biện minh này dựa trên quan điểm cho rằng, sau khi mô hình Xô – viết sụp đổ, thì Chủ nghĩa Xã hội vẫn đang tiếp tục, như một “làn sóng thứ 3” tiếp nối, mang tính lịch sử.
Và ông Nguyễn Phú Trọng đã đi “tiên phong” trong việc bảo vệ quan điểm về “làn sóng thứ 3” này.
Tác giả nhắc đến 2 bài viết của ông Trọng về chủ đề này. Một là, “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, đăng đầu năm 2024; hai là, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”, đăng năm 2021. Tiêu đề bài viết đã phản ánh nội dung bên trong.
Tác giả cho biết, liền ngay sau bài viết nêu trên của ông Trọng, trang điện tử của báo Nhân Dân đăng bài “Làn sóng thứ 3 của Chủ nghĩa Xã hội và công cuộc đổi mới ở Việt Nam”, của Tiến sĩ Michael Brie – Chủ tịch Ban cố vấn Khoa học của Viện Rosa Luxemburg thuộc Đảng Cánh tả Đức.
Tiến sĩ Michael Brie cho rằng, đường lối Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986, đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển Chủ nghĩa Xã hội, không chỉ ở Việt Nam. Việt Nam đã “kết hợp thành công” trong việc chuyển đổi sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội, với sự ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó, “rõ ràng đã trở thành một phần của phong trào lịch sử thế giới, và có thể được gọi là làn sóng thứ 3 của Chủ nghĩa Xã hội”.
Tiến sĩ Michael Brie nhận định, Chủ nghĩa Xã hội hiện đại cùng tồn tại với Chủ nghĩa Tư bản hiện đại, có “lịch sử dài… hơn 250 năm”. Làn sóng đầu tiên ra đời trong thế kỷ 19, nhằm khắc phục những bất cập trong Chủ nghĩa Tư bản đang phát triển trên toàn cầu. Trong đó, Chủ nghĩa Mác nổi lên với “các phác thảo về quá trình chuyển đổi sang một xã hội hậu tư bản trong thực tế”.
Làn sóng thứ 2, theo Tiến sĩ Michael Brie, bắt đầu sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917. Liên Xô đã thành lập phe Xã hội Chủ nghĩa và duy trì vị thế cạnh tranh với Hoa Kỳ và phương Tây. Trong suốt hơn 70 tồn tại, từng chứng tỏ khả năng là “một ứng cử viên nghiêm túc” chống lại Chủ nghĩa Tư bản. Nhưng, Chủ nghĩa Xã hội đã không thể duy trì sự cạnh tranh với Chủ nghĩa Tư bản.
Làn sóng thứ 3, vẫn theo Tiến sĩ Michael Brie, còn gọi Chủ nghĩa Xã hội 3.0, hình thành sau khi hệ thống Xô Viết sụp đổ. Chủ nghĩa Tư bản bành trướng ra thế giới và các nước như Việt Nam đã nắm bắt “thời cơ”, thu hút vốn tư bản, để chuyển đổi nền kinh tế thị trường, để phát triển quốc gia mà vẫn duy trì được chế độ toàn trị.
Tác giả phân tích, cách tiếp cận của Tiến sĩ Michael Brie về làn sóng thứ 3 của Chủ nghĩa Xã hội, chịu ảnh hưởng bởi một lập trường chính trị trung tâm giữa trung hữu và trung tả, được gọi là “Con đường thứ 3”. Đây là sự kết hợp các chính sách tự do kinh tế và dân chủ xã hội của trung hữu, với các chính sách xã hội trung tả. Nó hỗ trợ công việc thay vì phúc lợi đơn thuần, các chương trình đào tạo công việc, cơ hội giáo dục… cung cấp cho người dân “cái cần câu thay vì con cá”. Con đường thứ ba tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa một hệ thống kinh tế ít can thiệp hơn theo trung hữu, và chính sách chi tiêu dân chủ xã hội theo trung tả.
Tuy nhiên, tác giả nhận xét, trên “Con đường thứ ba” thì Chủ nghĩa Xã hội “từ trên xuống” bị bác bỏ. Nhưng nội dung này đã bị những người ủng hộ quan điểm về “làn sóng thứ 3 của Chủ nghĩa Xã hội” cố tình lờ đi, để lập luận cho sự tồn tại của nó.
Thu Phương – thoibao.de