Báo Mỹ: Những người chê VinFast ở Việt Nam đối mặt với công an (Phần 2)
Phần 2 của loạt bài “Những người chỉ trích VinFast ở Việt Nam đối mặt với công an” của tác giả Kevin Williams, được trang InsideEVs của Mỹ đăng tiếp ngày 12/2, dịch giả Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ, và đăng trên báo Tiếng Dân ngày 8/3.
Tác giả đề cập đến những điều mà Sonnie Trần cáo buộc trên các trang mạng xã hội, bao gồm những câu hỏi về tài chính và những tuyên bố với công chúng về phương pháp phát triển xe cộ.
“Gần đây, hồ sơ IPO của Tata ở Ấn Độ tiết lộ rằng, họ là nhà phát triển chìa khóa trao tay các mẫu xe hơi VF6, 7, 8, 9 cho VinFast, dựa trên nền tảng eVMP của Tata”, ông Trần viết.
Tác giả nhận xét, mặc dù nhận được sự giúp đỡ từ những người trong nghề có kinh nghiệm, nhưng màn ra mắt quốc tế của VinFast không mấy suôn sẻ.
Tác giả liệt kê một loạt các “sự cố” của VinFast như, VF8 chậm tiến độ và bị đánh giá là chất lượng kém; giá cổ phiếu giảm đến 75% vào tháng 10, và còn tiếp tục giảm; lớn doanh thu của VinFast đến từ việc bán xe cho hãng taxi Việt Nam Green and Smart Mobility, do chính VinGroup điều hành; tình trạng luân chuyển nhân viên ở mức độ cao…Mặc dù vậy, tác giả cho biết, thương hiệu này vẫn tiếp tục với kế hoạch mở rộng thị trường Mỹ. Và VinFast vẫn cần những nguồn lực – các khoản vay và giảm thuế – để tiếp tục kế hoạch mở rộng của mình.
Tác giả dẫn lời Tú Lê, Giám đốc Điều hành của Công ty tư vấn xe hơi Sino Auto Insights, cho biết:
“Vượng có thể là người giàu nhất Việt Nam, có mối quan hệ chặt chẽ với các lãnh đạo Việt Nam, nhưng giá trị tài sản ròng của ông chỉ khoảng 4,5 tỷ USD và phần lớn trong số đó gắn liền với bất động sản.”
“Ngay cả khi [Vượng] có khả năng thanh khoản, toàn bộ tài khoản ngân hàng của ông ấy sẽ không thể tài trợ cho các chi phí của VinFast và mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu.”
“Bây giờ, VinFast đang rơi vào tình trạng không chắc chắn. Trừ khi họ có thể huy động được thêm rất nhiều vốn, họ sẽ không có cơ hội khắc phục những vấn đề về chất lượng hoặc tung ra những chiếc xe khác… chưa nói đến việc ra mắt từ một dây chuyền sản xuất ở North Carolina.”
Tác giả bình luận, ở hầu hết mọi nơi, việc chỉ trích một công ty trên mạng xã hội sẽ bị phớt lờ, bị chặn, hoặc cùng lắm là bị kiện vì tội phỉ báng. Nhưng VinFast không giống như hầu hết các công ty khác. Theo luật pháp bóp nghẹt tự do ngôn luận của Việt Nam, các bài đăng của Trần có thể khiến anh và những người khác phải đối mặt với án tù nghiêm trọng.
Trọng tâm những hạn chế của Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận, là một điều luật được định nghĩa lỏng lẻo, có tên là Điều 331.
Bên cạnh đó, tác giả cũng cho biết, Trần không phải là trường hợp đầu tiên chỉ trích Tập đoàn VinGroup và gặp gây rắc rối. Tháng 4/2021, YouTuber người Việt GogoTV phàn nàn về vấn đề chất lượng chiếc VinFast Lux SA 2.0, sau đó đã báo cảnh sát với cáo buộc, tuyên bố của GogoTV là sai sự thật.
Tác giả dẫn lời 2 người tự nhận là thành viên nhóm truyền thông của VinFast, tại một sự kiện công nghệ toàn cầu, cho biết:
“Thật ra điều đó không liên quan gì đến chúng tôi. Bởi vì người đó có vẻ chống VinFast, nhưng anh ta cũng chống Chính phủ Việt Nam. Và do luật an ninh mạng ở Việt Nam nên mọi chuyện xảy ra và không liên quan gì đến chúng tôi”.
Sau đó, một quan chức của VinFast đã giải thích thêm:
“Theo luật pháp Việt Nam, các cá nhân, tổ chức có quyền kiện, chống lại các chủ thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để làm hoen ố danh dự, uy tín của người khác. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết những vấn đề như thế. Sau đó, chúng tôi quyết định không theo đuổi vấn đề này nữa,” đồng thời xác nhận rằng, họ đang đề cập đến trường hợp của Trần.
Tác giả cho biết thêm, các nguồn tin thân cận với Trần cho hay, anh chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ VinFast hay VinGroup, rằng họ không còn theo đuổi khiếu nại chống lại anh nữa. Máy tính và điện thoại bị tịch thu của anh vẫn chưa được trả lại.
Thu Phương – thoibao.de