Tô Đại ra tay Thưởng bay ghế nóng: Tổng có được yên?
Ghế Chủ tịch nước, một trong 4 ghế “tứ trụ”, những ghế đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng kể từ sau Đại hội 12, năm 2016, ghế này đã trở thành “ghế dữ”.
Bắt đầu từ việc cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang bất ngờ mắc “bệnh lạ”, không thể chữa khỏi, và đã qua đời vào tháng 9/2018. Sau đó, vào tháng 10/2018, Tổng Trọng kiêm nhiệm, vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước. Nhưng số phận của ông cũng không thoát “lời nguyền” của chiếc “ghế dữ” này.
Ông Trọng đã gặp sự cố về sức khỏe vào tháng 4/2019, tại Kiên giang, quê của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau Đại hội Đảng 13 (tháng 1/2013), ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước và cũng dính “lời nguyền”. Chỉ chưa đầy 2 năm, ông Phúc buộc phải rời khỏi ghế Chủ tịch nước, với lý do “chịu trách nhiệm chính trị”, do các sai phạm mà cấp dưới gây ra từ trước.
Người thay thế ông Phúc là ông Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư.
Theo giới phân tích, Chủ tịch Thưởng là một chính khách trẻ, có lý luận Cộng sản, và có vai trò khá nổi bật trên chính trường Việt Nam hiện nay. Tương lai, có thể ông Thưởng còn tiến xa hơn, nếu vậy, chiếc ghế tiếp theo của ông có khả năng chính là ghế Tổng Bí thư.
Đã có không ít những đánh giá lạc quan, khi cho rằng, Chủ tịch Thưởng là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 1/2026.
Tuy nhiên, vẫn còn đó “lời nguyền”: Ghế Chủ tịch nước Việt Nam là một chiếc “ghế dữ”.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ngày 14/3 loan tin, “Việt Nam đề nghị Vua và Hoàng hậu Hà Lan hoãn thăm vì “tình hình nội bộ’”. Bản tin cho biết, một hãng thông tấn quốc tế tiết lộ, chuyến thăm Việt Nam của vua và hoàng hậu Hà Lan đột ngột bị Hà Nội đề nghị hoãn vào phút chót, vì “tình hình nội bộ” của Việt Nam.
Theo hãng tin này: “Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu hoãn chuyến thăm của vua và hoàng hậu, vì tình hình nội bộ, nhưng không giải thích cụ thể khái niệm “tình hình nội bộ” là gì?”
Theo giới quan sát, trước, trong và sau ngày 14/3, trên mạng xã hội và các Diễn đàn Chính trị của người Việt, đã nóng lên bởi những đồn đoán rằng, Chủ tịch Thưởng sắp nộp đơn xin thôi chức, liên quan tới một số bê bối về tham nhũng, thời ông Thưởng còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giai đoạn 8/2011 – 4/2014.
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, tức blogger Cô Gái Đồ Long, một nhân vật hàng đầu trong giới thạo tin “cung đình” Việt Nam, vào tối 14/3, đã đăng trên Facebook cá nhân, rằng:
“Câu lạc bộ Quảng Ngãi từng quen thuộc với người hâm mộ, khi tham gia đều đặn tại các giải hạng Nhất, Nhì quốc gia, nay vừa có ngôi sao nộp đơn xin giải nghệ.”
Theo giới quan sát, status này được cho là cách nói bóng gió, về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nộp đơn xin từ chức.
Được biết, cách đây hơn 1 năm, ngày 13/1/2023, cũng chính Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà là người đầu tiên tiết lộ tin ông Phúc từ chức, trước 4 ngày.
Theo giới thạo tin, “Câu lạc bộ Quảng Ngãi” mà Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà đề cập, chính là nơi mà ông Thưởng từng giữa chức Bí thư Tỉnh ủy trong gần 3 năm. Như vậy, khả năng cao, việc Chủ tịch Thưởng đệ đơn từ chức là điều có thật.
Điều này có liên quan đến thông tin, ngày 8/3, C03 của Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch, và ông Đặng Văn Minh, đương kim Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, cùng với cáo buộc “vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Các vụ bắt bớ này liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu, con nuôi cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Đáng chú ý, ông Đặng Văn Minh trước khi lên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, đã từng là cấp dưới của ông Thưởng, thời kỳ ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này.
Xin được nhắc lại, như thoibao.de gần đây đã đưa tin, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có liên quan đến vụ bắt giữ Đặng Trung Hoành – Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Được biết, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là quê hương của ông Thưởng, và Đặng Trung Hoành bị buộc tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Giới thạo tin cho biết, ông Hoành là cánh tay phải của Chủ tịch Thưởng. Ông Hoành đã nhận 60 tỷ của Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng.
Như vậy, khả năng rất cao, ông Thưởng buộc phải nộp đơn xin từ chức, vì có liên quan tới tham nhũng. Điều này cũng tương tự như việc ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây phải “xin thôi chức”, vì liên quan đến đại án Việt Á, và với “trách nhiệm của người đứng đầu”.
Nếu những suy đoán này là đúng, thì ông Võ Văn Thưởng là người giữ chức Chủ tịch nước ngắn nhất, chỉ vẻn vẹn có hơn 1 năm./.
Trà My – Thoibao.de