Ngày 21/3, VOA Tiếng Việt có bài “Ông Võ Văn Thưởng bị bãi miễn các chức vụ: liệu có thoả đáng?”
VOA đề cập đến việc ông Võ Văn Thưởng bị Quốc hội biểu quyết bãi miễn chức Chủ tịch nước và vai trò Đại biểu Quốc hội, một ngày sau khi ông bị cho ra khỏi Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, “theo nguyện vọng cá nhân”.
Ông Thưởng là vị nguyên thủ thứ 2 có kết cục này trong vòng hơn 1 năm, sau người tiền nhiệm là Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu năm 2023.
VOA dẫn thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 20/3, ghi rằng, ông Thưởng “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương và chịu trách nhiệm người đứng đầu”, nhưng không nói rõ ông Thưởng đã vi phạm những gì.
VOA dẫn những thông tin rò rỉ hậu trường mà không thể kiểm chứng, theo đó, người nhà của ông Võ Văn Thưởng đã nhận số tiền đến 60 tỷ đồng từ Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ, khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
VOA dẫn ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, và là nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, nói rằng “có khả năng đến 99%”, ông Thưởng bị mất chức là “dính đến vụ hối lộ ở Tập đoàn Phúc Sơn”.
“Có thể, nếu họ nói rõ ra vi phạm của ông Thưởng thì ê mặt quá [cho ông Thưởng và cho Đảng].”
“Nếu họ làm thật nghiêm khắc, thì họ phải vạch ra là ông ấy đã vi phạm cái gì. Nếu quả thật ông ấy đã nhận hối lộ, thì phải đưa ra xử một cách nghiêm túc. Còn nếu ông ấy không nhận hối lộ, thì phải cho ông ấy cái quyền thanh minh một cách rạch ròi.”
Tuy nhiên, ông A cho rằng, “nhiều khả năng ông Thưởng có tội”, vì “nếu không, ông ấy đã không chấp nhận sự nhục nhã như thế này”.
“Nếu ông ấy đã nhận hối lộ mà được cho thoát tội, thì đấy là điều chứng tỏ, ở Việt Nam có nhiều người ngồi xổm trên pháp luật. Cái gọi là nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa nên vứt vào sọt rác.”
Ông A nhận định, nếu phạm tội, thì ông Thưởng phải bị xử lý hình sự, nếu không thì “không thoả đáng” với dân.
Theo VOA, vụ việc ông Thưởng xảy ra vào lúc Trung ương Đảng đang chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội 14 của Đảng Cộng sản, trong bối cảnh, khóa 13 chỉ mới đi được hơn nửa nhiệm kỳ, đã có đến 4/18 ủy viên Bộ Chính trị mất chức, hơn một chục ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật vì tham nhũng.
“Nó cho thấy chính sách nhân sự mà Đảng Cộng sản Việt Nam cho là rất quan trọng, thực sự là đã thất bại. Tôi nghĩ, những người đứng đầu phụ trách công tác này phải thừa nhận trách nhiệm chính trị của mình, như là ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Xuân Phúc trước kia,” ông A lập luận.
Theo quan điểm của ông A, những người đề cử ông Thưởng vào ghế Chủ tịch nước, và những người trong Trung ương Đảng đã bỏ phiếu tán thành, “đều phải kiểm điểm nghiêm khắc”.
“Cái gọi là chống tham nhũng ở Việt Nam không thể có kết quả được. Chỉ là vặt những nụ, những cành mà thôi, còn gốc rễ là vấn đề bản thân hệ thống. Bản thân hệ thống đẻ ra tham nhũng.”
Về bài học Đảng rút ra cho công tác nhân sự trong nhiệm kỳ sắp tới, nhà quan sát chính trị này cho rằng “phải thực thi dân chủ trong Đảng”.
“Có một cách rất đơn giản là đừng bưng bít thông tin. Hãy để cho dân chủ trong Đảng phát huy tác dụng của nó. Tức là, tất cả các đảng viên được nói lên chính kiến của mình và được phê phán những người khác, phê phán những lãnh đạo một cách xây dựng.”
Tuy nhiên, ông A cho rằng, Đảng sẽ không làm được điều này, vì Điều lệ Đảng quy định “dân chủ tập trung”, điều mà ông cho là “phản dân chủ”, vì “cấp dưới phải phục tùng cấp trên, thiểu số phải phục tùng đa số”.
Để tình trạng tham nhũng tràn lan, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Hoàng Anh – thoibao.de