Nếu Tô Lâm thành công thực hiện dã tâm tranh chức Tổng Bí thư, thì Vương Đình Huệ sẽ là người sẽ mất mát nhiều nhất. Ghế Chủ tịch Quốc hội là ghế ít thực quyền hơn ghế Thủ tướng, nên một khi khi Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, phe Nghệ An sẽ không còn mạnh như hiện nay nữa.
Phe Hưng Yên cũng được xem là phe mạnh ở Trung ương, chủ yếu tập trung ở Bộ Công an. Hiện nay, Hưng Yên có 1 Ủy viên Bộ Chính trị là ông Tô Lâm, và 4 uỷ viên Trung ương Đảng, được rải ở tỉnh Hưng Yên, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Các uỷ viên Trung ương Đảng người Hưng Yên gồm: Hoàng Xuân Chiến – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lương Tam Quang – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Duy Ngọc – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; Đỗ Tiến Sỹ – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên.
Tuy nhiên, dù phe Hưng Yên có lực lượng hùng hậu như thế, nhưng vẫn chưa là gì so với phe Nghệ An. Phe Nghệ An có đến 3 uỷ viên Bộ Chính trị, 10 uỷ viên Trung ương Đảng và 1 uỷ viên dự khuyết. Đây được xem là phe địa phương có lực lượng hùng mạnh nhất tại Trung ương Đảng.
Như vậy, Tô Lâm dẫn đầu một nhóm 5 người, lại dám tranh hùng tranh bá với nhóm 14 người của ông Vương Đình Huệ, thì quả là không đơn giản. Nếu chỉ so về số lượng, thì rõ ràng, đây là cuộc chiến không cân sức với phe ông Tô. Nhưng sự thật, Tô Lâm có thực lực và thế lực đủ để dám dẫn nhóm 5 người này, quyết đấu với nhóm 14 người hùng hậu của Vương Đình Huệ.
Trước hết, Tô Lâm là võ tướng, thích dùng “nắm đấm” hơn là dùng ảnh hưởng. Trong khi đó, Vương Đình Huệ lâu nay vẫn là kẻ cơ hội, chuyên núp lùm đợi đến lúc tàn cuộc chiến, rồi mới nhảy ra tranh phần.
Thời gian đến Đại hội 14 ngày càng gần, lúc này, Tô Lâm chỉ còn một cách lựa chọn là dùng vũ lực để nói chuyện, không ngoại giao vận động tốn thời gian. Với lại, vũ lực chính là món sở trường của Tô Lâm. Dùng sở trường của mình để đánh vào sở đoản của đối phương, thì hoàn toàn có thể lấy ít địch nhiều.
Kỳ họp bất thường của Trung ương Đảng và Quốc hội vừa qua cho thấy, cuộc đấu đá vẫn chưa ngã ngũ. Cả Trung ương Đảng và Quốc hội chỉ quyết vấn đề xin thôi chức của ông Võ Văn Thưởng. Còn việc ai thay thế ông Thưởng; ai sẽ thay thế Tô Lâm ở Bộ Công an, nếu Tô Lâm thay ông Thưởng; hoặc ai thay thế bà Trương Thị Mai… thì vẫn chưa ngã giá xong. Các phe vẫn đang kịch chiến.
Đã lỡ trở mặt, Tô Lâm chỉ có thể thể hiện sự hung dữ, càng manh động và càng ác, thì mới hy vọng thắng. Bởi phe Nghệ An không những hùng hậu, mà còn được ông Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn. Khi họp Bộ Chính trị, phe Hưng Yên chỉ có một mình Tô Lâm tham gia, còn 4 uỷ viên Trung ương Đảng của Hưng Yên đành phải đứng ngoài cuộc.
Trong trận thư hùng này, Phạm Minh Chính đang án binh bất động. Ông Phạm Minh Chính bày tỏ thái độ rã ràng. Có lẽ, ông Chính không dại gì nhảy vào ủng hộ một phe nào, mà tốt nhất là “tọa sơn quan hổ đấu”, rồi mới ra kế sách cho mình.
Ông Phạm Minh Chính không dại gì tranh giành quyền lực vào lúc này, nếu nhảy vào, nhóm của ông sẽ tổn hao binh lực vô ích. Thay vì chọn phe, ông đợi hai con hổ đánh nhau đến kiệt sức, rồi nhảy vào tranh phần cũng chưa muộn.
Việc Bộ Chính trị liên tục hạ nhau như hiện nay là dấu chỉ cho thấy, rất có thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi vào thời kỳ hỗn loạn. Các nhóm lợi ích chính trị đã không cần che dấu nữa, họ công khai giở thủ đoạn, công khai diệt lẫn nhau, miễn sao tranh đoạt được quyền lực.
Sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng càng yếu thì Đảng càng loạn. Tham muốn quyền lực của những thế hệ Cộng sản tiền bối, thể hiện qua chính Điều lệ Đảng và cả Hiến pháp, khi quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất”, nay đã sinh ra thế hệ quan chức tham lam không có điểm dừng. Họ tham tiền, tham quyền, và họ lao vào nhau để chém giết, để tranh quyền.
Những điều này báo hiệu một thời kỳ điêu linh mới cho đất nước, cho dân tộc, và cho mỗi người dân.
Tô Đại dẫn 5 người muốn “làm gỏi” 14 người của Huệ Vương, Chính tọa sơn quan hổ đấu!
Thái Hà – Thoibao.de