Sau Võ Văn Thưởng, Tô Đại sẽ xử tiếp Huệ Vương?

Thời gian qua, có những thông tin lộ ra rằng, ông Võ Văn Thưởng dính líu đến vụ bê bối hối lộ, liên quan Tập đoàn Phúc Sơn. Theo đó, trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 – 2014, ông Thưởng đã thông qua một người thân để nhận 60 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 triệu USD, từ Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ của mình.

Ở Việt Nam, các tin tức nhạy cảm như trên, trong cái vỏ bọc tin “đồn”, thực chất là những “bí mật cung đình”, được một phe phái trong Đảng cố ý tuồn ra bên ngoài, để phục vụ cho việc đấu đá quyền lực, cũng như để thử phản ứng của dư luận.

Mới nhất, báo Tiền Phong ngày 26/3 đã xác nhận các sai phạm của ông Thưởng. Theo đó, trong bản tin với tiêu đề: “Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn khai chuyển 64 tỷ đồng cho cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít”.

Bản tin cho biết, ngày 26/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an, đã cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn.

Đến thời điểm này, kết quả điều tra xác định, 2 bị can Hoàng Thị Thúy Lan và Lê Duy Thành ở Vĩnh Phúc, đã nhận số tiền tương đối lớn, hàng tỉ đồng. Bước đầu, cả 2 đã khai nhận và nộp lại tiền nhận hối lộ cho Cơ quan Điều tra.

Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Hậu khai đã đưa 64 tỷ đồng cho Đặng Trung Hoành – cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ông Hoành bị khởi tố về tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công an đang ở “thế tấn công”, tiếp tục phanh phui các hành vi tham nhũng của các lãnh đạo cao cấp, kể cả “Tứ trụ”, như đã làm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Theo giới thạo tin, việc các quan chức cấp cao nhận tiền, hay để cho các doanh nghiệp xây dựng nhà thờ tổ, là điều hết sức phổ biến. Tháng 6/2012, bà Thái Thị Hương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa TH True Milk, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, đã bỏ ra 150 tỷ đồng để xây “nhà thờ tổ” vô cùng hoành tráng, cho dòng họ Nguyễn Sinh của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại núi Chung, Nam Đàn, Nghệ An, từng gây xôn xao dư luận.

Theo giới thạo tin, xuất phát điểm của bà chủ Thái Hương chỉ là một viên chức kế toán, tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An. Nhờ sự bảo kê của “ông anh” đồng hương là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau đó lên Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nên cô em Thái Hương đã có tất cả. Bà Thái Hương có được ngân hàng, có hãng sữa TH Group, có trang trại hàng ngàn hecta. Ngoài ra, còn vô số những bằng khen, huân chương, danh hiệu, đếm không xuể, thậm chí còn có cả danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Cũng nhờ sự bảo kê của các quan chức cấp cao thuộc phe cánh chính trị Nghệ An, dù kết quả là kinh doanh của Bắc Á Bank ngập ngụa trong thua lỗ, với đống nợ tới 9.000 tỷ đồng và không có khả năng chi trả. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Agribank, cùng với BIDV, đã “chuyển không” cho Bắc Á Bank 10.000 tỷ đồng, để cứu sân sau của ông Hùng là cô em “sữa tươi”.

Công luận nhận xét, việc xây nhà thờ tổ là chiêu “bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”. Bà Thái Hương được giúp 10.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, đổi lại, bà chỉ bỏ ra 150 tỷ. Bà vừa thoát tù tội, thoát phá sản, lại còn được tiếng là doanh nhân tốt bụng, bỏ tiền ra xây nhà thờ tổ cho dòng họ… ông Hồ!

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng, khi cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đã hết giá trị lợi dụng, bà Thái Hương quay sang xây dựng mối quan hệ “không trong sáng” với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc – một cánh tay đắc lực của Tổng Trọng.

Như vậy, phải chăng, việc “hạ gục” Thưởng là sự dọn đường của Bộ Công an, để nhắm đến các sai phạm liên quan đến Vương Đình Huệ và Phan Đình Trạc? Đây là những đối thủ chính trị “nguy hiểm” và nặng ký đối với Tô Lâm – trong nỗ lực để trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo giới phân tích, lâu nay, ông Huệ đã được Tổng Trọng chấm để làm kế cận, thay thế, khi ông Trọng rút lui khỏi chính trường.

Nhưng tại thời điểm này, ông Huệ đang nằm trong tầm ngắm của Bộ Công an, với nhiều trọng tội.

Nếu không là sai phạm về tham nhũng và lợi ích nhóm, thì Huệ Vương cũng có thể bị xử lý liên quan đến “đạo đức và lối sống”, “tham vọng quyền lực”, hay “có vấn đề về lập trường tư tưởng”…

Tóm lại là Huệ Vương khó có thể thoát./.

 

Trà My – Thoibao.de