Chưa có chế độ nào mà những điều xấu xa, tệ hại của quan chức, lại được bao che như ở Việt Nam. Cụm từ “bí mật nhà nước” đã bị biến tướng. Nghĩa gốc của cụm từ này chỉ những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, thuộc diện cần phải bảo mật. Tuy nhiên, ở chế độ này, sức khỏe lãnh đạo cũng liệt vào diện “bí mật quốc gia”, lãnh đạo cấp cao mua quan bán tước, hay tham ô, tham nhũng, cũng được liệt vào diện “bí mật”.
Trước đây, việc Tô Lâm dính líu đến vụ Mobifone mua AVG, được Nguyễn Phú Trọng chỉ định đưa vào diện “bí mật quốc gia”, nên đã cứu ông Tô Lâm một bàn thua trông thấy.
Cho đến nay, báo chí vẫn được lệnh, không dám hé răng về bất cứ trường hợp mua quan bán tước nào. Năm 2017, Bà Châu Thị Thu Nga khai đã “chạy” vị trí Đại biểu Quốc hội với giá 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công an chỉ cung cấp cho báo chí thông tin bà Nga “mua vai trò” Đại biểu, mà không hề cho biết người “bán” là ai.
Được biết, bà Châu Thị Thu Nga là doanh nhân, tại thời điểm bị bắt, bà là Chủ tịch Housing Group.
Đấy là việc dân “mua tước”, thì nhà nước chỉ công khai phần dân, còn vị quan tham nào “bán tước” cho bà Nga, thì được xem là “bí mật”. Đấy! “Đảng ta” khôn như thế đấy. Nguyên nhân là, nếu cho phép công khai cả người mua lẫn người bán, thì có lẽ, như ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói, là “lấy ai làm việc”!
Bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam là cả một thị trường mua quan bán tước sôi động, nhưng được giấu kín. Đặc biệt, thị trường này là sân chơi dành riêng cho quan chức, không có phần của thường dân, nên được bảo mật hoàn toàn. Dù hầu hết quan chức, từ cấp thấp đến cao, đều có lý lịch đỏ, nhưng vẫn cần phải có tiền để chạy chọt, để lên chức cao hơn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến quan chức phải nặn dân cho ra tiền, để mua chức tước. Có quyền lớn, chỉ cần ký giấy thuyên chuyển là có tiền. Bất kỳ quan chức nào ngồi vào vị trí được quyền ký giấy tờ trên, thì đều có thể “bán tước” được.
Đấy là thị trường buôn bán quyền lực cấp trung và cấp thấp. Còn ở cấp cao, đặc biệt là Tứ trụ, thì họ dùng quyền lực để buôn quyền lực. Bởi lên đến vị trí này, ai cũng đã quá giàu, có quá nhiều “của chìm, của nổi”, nên họ chỉ cần quyền lực. Hơn nữa, khi đã có được quyền lực, thì họ cũng sẽ có tiền bạc.
Như Tô Lâm, ông đang khai thác tối đa quyền lực của mình trong Bộ Công an, để chiếm cho bằng được ghế Tổng Bí thư.
Ông Võ Văn Thưởng chính thức mất chức ngày 21/3 vừa qua, nhưng đến nay các “tay buôn” vẫn chưa ngã giá xong về việc chọn người kế nhiệm. Dự kiến là đến Hội nghị Trung ương 9, các bên lại tiếp tục ngã giá gay gắt về các vị trí cần thiết trong Bộ Công an và trong Ban Bí thư. Mọi chiêu thức đều sẽ được các phe tung ra hết, để quyết giành cho được ghế mong muốn. Ở mâm này, dùng tiền cũng không ăn thua.
Hiện nay, Tô Lâm vẫn đang tăng cường bắt bớ. Ông vẫn làm những điều mà ông đã làm trong 8 năm qua, để phục vụ cho công tác đốt lò của ông Trọng. Tuy nhiên, lần này, có vẻ như mọi chuyện đã khác. Ông Tô Lâm không còn thực hiện theo mệnh lệnh của kẻ khác, mà là thực hiện theo ý đồ của ông.
“Tay buôn” Bộ trưởng Bộ Công an sử dụng những “bí mật” của các “đồng chí”, đem ra chồng lên bàn đàm phán, để đưa ra yêu sách của ông. Chưa biết những “tay buôn” khác sẽ ra giá gì? Có lẽ, họ cũng phải dùng tương quan quyền lực, để ngã giá cho các “chức tước” không thể dùng tiền. Nếu dùng quyền lực cá nhân chưa đủ, thì họ sẽ vận dụng đến quyền lực nhóm. Ngay Tô Lâm cũng đang dùng quyền lực nhóm, chứ không phải một mình ông “đơn thương độc mã”.
Nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh, nếu liên kết thì có đến 4 uỷ viên Bộ Chính trị, 19 uỷ viên Trung ương Đảng và 2 uỷ viên dự khuyết. Không biết, nhóm này có thể thắng được cuộc mua bán với Tô Lâm hay không?
Tô Lâm và các nhóm đối thủ đều đang tìm mọi cách để giành được ghế Tổng Bí thư. Tuy nhiên, liệu họ chỉ dùng quyền lực để mua quyền lực, hay dùng cả nhân mạng để mua bán?
Hãy chờ xem, hồi sau sẽ rõ.
Hoàng Anh – Thoibao.de