Ngồi ghế “ma ám” vừa trống lưng vừa hở sườn, Tô dễ “chầu ông bà”?

Ván cờ chính trị rồi cũng sẽ ngã ngũ, không thể để chiếc ghế Chủ tịch nước trống chủ lâu được. Muộn nhất là đến Hội nghị Trung ương 9 sẽ phải chốt xong vấn đề nhân sự.

Tuy vậy, dù chưa tới Hội nghị Trung ương 9, nhưng đã có thông tin rò rỉ cho biết, ông Tô Lâm sẽ làm Chủ tịch nước, ông Phan Đình Trạc sẽ làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Duy Ngọc sẽ làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và ông Lê Minh Trí sẽ là Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Nếu thông tin này là thật, thì có thể nói, đây là một thất bại cho Tô Lâm. Bởi Tô Lâm không những không đưa được đệ tử ruột lên làm Bộ trưởng Bộ Công an, mà ngược lại, một trong 2 đệ tử này lại bị phe “bảo hoàng” tống ra khỏi Bộ Công an.

Hiện nay, ở Bộ Công an, Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc được xem là tay trái và tay phải của Tô Lâm. Nếu Nguyễn Duy Ngọc bị đẩy ra khỏi Bộ, thì xem như, Tô Lâm đã “gãy một cánh”.

Ngồi vào ghế Chủ tịch nước mà không nắm chắc được Bộ Công an, xem như, ông Tô Lâm bị trống lưng. Ngoài ra, “đôi cánh” trợ giúp Tô Lâm bay cao, đồng thời cũng che chở cho “2 bên sườn” của Tô Lâm không bị hở. Giờ đây, đã không nắm được vị trí Bộ trưởng, mà một đệ tử còn bị điều đi, thì chẳng khác nào, Tô Lâm vừa bị trống lưng, vừa bị hở sườn.

Ghế Chủ tịch nước quyền lực yếu, nhưng lại thường xuyên đón bão lớn. Lịch sử từ năm 2018 đến nay đã chứng minh điều đó. Ngồi vào ghế này, nếu hậu thuẫn không đủ vững, không “đủ đồ chơi”, thì rất dễ gặp hoạ. Nay, mọi đối thủ đều đang nhắm vào Tô Lâm. Không chỉ người dân, mà ngay cả các “đồng chí” của ông đều đánh giá ông là con người nguy hiểm. Mà một khi đã bị liệt vào hàng “nguy hiểm”, thì những bất trắc có thể đến với ông bất cứ lúc nào. Bởi không thể nào lường hết được những thủ đoạn của các nhóm chính trị khác.

Trần Đại Quang cũng từng ngồi vào ghế Chủ tịch nước trong tình thế trống lưng và hở sườn. Lúc đó, ông Quang không đưa được đệ tử ruột lên ghế Bộ trưởng, đã vậy, em trai ông là Trần Quốc Tỏ lại bị đẩy ra khỏi Bộ Công an, về làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên. Và cái kết của Trần Đại Quang thì mọi người đều đã rõ.

Lần này, sau khi “chốt kèo” ở Bộ Chính trị, Tô Lâm cũng lâm vào tình cảnh gần giống với Trần Đại Quang trước đây. Tuy nhiên, hậu thuẫn của Tô Lâm vẫn tốt hơn Trần Đại Quang, bởi vẫn còn Lương Tam Quang và cả phe nhóm Hưng Yên trong Bộ Công an. Không rõ, sau khi Phan Đình Trạc đã yên vị ở ghế Bộ trưởng, thì ông có đẩy được Lương Tam Quang ra khỏi Bộ Công an hay không. Nếu ông Trạc thành công thâu tóm Bộ Công an, thì xem như, Tô Lâm rơi vào cảnh “cá nằm trên thớt”. Khi đó, Tô Lâm rất dễ trở thành Trần Đại Quang thứ 2.

Cuộc chiến cung đình vẫn còn đang rất khốc liệt và chưa thật sự đi đến cao trào. Tất nhiên, Tô Lâm – với sức mạnh của vũ lực và nguồn “tin mật” trong tay, ông đủ khôn ngoan và tỉnh táo để bản thân không rơi vào thế bí. Tuy nhiên, một khi bị dồn vào đường cùng, thì rất có thể Tô Lâm làm liều. Ông cũng đã có bài học từ Trần Đại Quang để giữ cho bản thân cẩn trọng, để không dẫm lại vết xe đổ của ông Quang.

Sức khỏe của ông Trọng hiện nay đang là một dấu hỏi to tướng. Không chỉ dư luận trong nước thắc mắc, mà báo chí quốc tế cũng đặt nghi vấn về điều này. Thông tin rò rỉ cho biết, ông Trọng phải thường xuyên vào Viện 108 để kiểm tra máu. Nếu ông không thể kéo dài tuổi thọ đến hết nhiệm kỳ, mà ra đi trước Đại hội 14, thì có thể sẽ dẫn đến một cuộc “đại chiến” giữa các phe. Tất nhiên là lúc đó không thể thiếu Tô Lâm.

Và cũng đương nhiên, người dân “không có cửa” trong cuộc chiến của các đại quan đầu triều.

Lại nói về Phan Đình Trạc, nếu ông ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì đấy là lợi thế cho ông và nhóm Nghệ An của ông. Tuy nhiên, để loại bỏ những nhân sự chủ chốt mà Tô Lâm đã gầy dựng suốt 8 năm tại Bộ này, cũng không phải là điều dễ dàng.

Vì vậy, rất khó để tạo ra thế “trống toác” lưng đối với Tô Lâm. Phim hãy còn dài, hãy chờ đến phút chót để xem kết thúc sẽ ra sao?!

 

Trần Chương – Thoibao.de