Việt Nam có an toàn khi Trung Quốc gấp rút phát triển hải quân?

Ngày 29/3, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Việt Nam có đang ỷ lại quá mức vào “ngoại giao cây tre?”’

RFA nhận xét, Trung Quốc tăng cường đầu tư cho hải quân nói riêng và hàng hải nói chung, tới mức Hoa Kỳ phải lo ngại và thừa nhận, mình bị tụt hậu so với Trung Quốc về công suất đóng tàu. Cùng với một tầm nhìn dài hạn và một sức mạnh trên biển không ngừng mở rộng, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn với 2 láng giềng phía nam là Việt Nam và Philippines. Trong bối cảnh đó, Philippines tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, còn Việt Nam thì dường như… vô lo.

RFA cho hay, mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Ấn Độ với Philippines đã khiến Trung Quốc vừa “nổi đóa”, cảnh cáo Ấn Độ phải tôn trọng “chủ quyền” của họ trên Biển Đông.

Ngược với Philippines, Việt Nam, với phương châm “ngoại giao tự chủ” và ngả về tất cả các bên (“ngoại giao cây tre”), dường như đang tự tin với chiến lược của mình. Trong năm 2023, Việt Nam không mua thêm vũ khí mới từ phương Tây, mặc dù nguồn cung vũ khí từ Nga đã bị khóa lại, vì nước Nga mắc kẹt trong cuộc chiến Ukraine.

RFA bình luận, trong khi Việt Nam đang “bình chân như vại”, thì các xưởng đóng tàu chiến của Trung Quốc chưa từng “nghỉ ngơi”.

Theo đó, Báo cáo tháng 3 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về Trung Quốc, cảnh báo: Trong khi các nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ vẫn đang hoạt động trên cơ sở thời bình, thì toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang hoạt động trên cơ sở thời chiến.

RFA cho biết, Trung Quốc đầu tư lớn đến mức có công suất đóng tàu lớn hơn Mỹ khoảng 230 lần, đồng thời đầu tư vào vũ khí và mua các hệ thống tiên tiến nhanh hơn Hoa Kỳ từ 5 đến 6 lần.

Lý do, RFA dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, người Trung Quốc sống tại Ba Lan, cho rằng, sau khi Đài Loan chuyển đổi thành nền dân chủ, sức hấp dẫn về chủ nghĩa dân tộc hay kinh tế mà Trung Quốc mang lại, đã không còn đủ sức níu kéo người Đài nữa. Do đó, cách duy nhất nếu Trung Quốc muốn thu hồi Đài Loan là đánh chiếm. Muốn làm được điều này, Trung Quốc cũng cần tạo ra ưu thế để ngăn chặn sự tiếp viện của Hoa Kỳ và đồng minh dành cho Đài Loan.

Ông Hồ Như Ý giải thích:

“Đối với Trung Quốc thì đóng tàu là cách nhanh nhất để Trung Quốc đuổi kịp Hoa Kỳ về mặt số lượng. Còn với lục quân, không quân thì Trung Quốc biết là họ không có cửa để có thể đuổi kịp Hoa Kỳ trong mười năm, mười lăm năm. Thậm chí ngành hàng không quốc nội của Trung Quốc vẫn chưa chế tạo được động cơ máy bay đủ tin cậy cho không quân của họ dùng.”

RFA dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chắc chắn rằng, đến một ngày, hải quân Trung Quốc sẽ làm chủ các vùng biển gần, như Biển Đông, Hoàng Hải, và làm chủ các vùng biển xa, như Ấn Độ Dương. Ngay từ bây giờ, các quốc gia khác phải chuẩn bị thích nghi với bối cảnh mới này.

Ông nói:

“Trung Quốc đã hoàn thành các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cùng với việc tăng cường lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển, phát triển những cơ sở giám sát và nghiên cứu hải dương học khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước. 

Những năng lực mới này giúp đưa Trung Quốc tiến ngày càng xa về phía nam. Các tàu Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn ở phía bên kia Eo biển Malacca và hoạt động ở Ấn Độ Dương. 

Ấn Độ có mối quan ngại là điều dễ hiểu. Điều đó đã thúc đẩy một số liên kết chiến lược giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.”

Trong khi đó, theo RFA, Việt Nam vẫn “bình thản”!

 

Minh Vũ – thoibao.de