Ngày 31/3, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của tác giả Hà Lệ Chi, với tựa đề “Vì sao Asean im lặng trước căng thẳng ở Biển Đông”.
Tác giả cho hay, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mà còn có nguy cơ diễn biến khốc liệt hơn.
Ngày 25/3, Philippines đã triệu tập Đại biện Trung Quốc để phản đối “các hành động gây hấn” trên Biển Đông, khi tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào một tàu dân sự Philippines hôm 23/3, khiến 3 thuyền viên Philippines bị thương và gây ra “thiệt hại đáng kể cho tàu”.
Tác giả cũng cho biết, tính đến ngày 26/3, đã có 21 quốc gia, trong đó có Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… lên tiếng bày tỏ quan ngại trước những hành động nguy hiểm nhằm vào tàu thuyền Philippines của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Nhóm nước này đề cập đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và kêu gọi duy trì các quy tắc khi quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Thế nhưng, ASEAN – tổ chức quan trọng của khu vực Đông Nam Á, lại im tiếng trong suốt thời gian dài xảy ra căng thẳng giữa đôi bên.
Tác giả nhận định, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược “Ba cuộc chiến” – dư luận, chiến tranh tâm lý và pháp lý, và lợi ích kinh tế – để khiến các nước Đông Nam Á bị chia rẽ trong tranh chấp Biển Đông. Sự sa sút về dân chủ và gắn kết nội bộ yếu kém, vốn là đặc điểm của các nước Đông Nam Á, càng làm tăng thêm khả năng chi phối của các cường quốc bên ngoài. Chiến lược chia cắt của Trung Quốc đã thành công trong việc làm tê liệt ASEAN – bằng cách lạm dụng quy trình cơ chế thể chế của tổ chức này.
Vẫn theo tác giả, Tổng thống Philippines Ferdinand R Marcos Jr. muốn chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách phát triển hợp tác hàng hải với Việt Nam, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Australia và Mỹ, đồng thời thúc đẩy một cuộc đàm phán thành công về Bộ quy tắc ứng xử (COC) trong ASEAN.
Tuy nhiên, tác giả nhận xét, các quốc gia có yêu sách trong khu vực không có chung cách tiếp cận để chống lại Trung Quốc. Manila đã trở nên chủ động hơn, công khai các hành động khiêu khích của Trung Quốc, và củng cố mối quan hệ với các nước có cùng quan điểm, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh.
Trong khi đó, tác giả đánh giá, Việt Nam lại tỏ ra thận trọng khi đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việt Nam thích cách giải quyết riêng rẽ trước các hành động khiêu khích của Bắc Kinh, cô lập các vấn đề hàng hải khỏi các mối quan hệ song phương rộng lớn hơn với Trung Quốc. Việt Nam nhất quán đảm bảo với Trung Quốc rằng, sẽ không liên minh chống lại bất kỳ nước nào, trừ khi Bắc Kinh đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sự đảm bảo này cho phép Trung Quốc tách tranh chấp Biển Đông với Việt Nam khỏi sự cạnh tranh rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tác giả dẫn phân tích của ông Harshit Prajapati, cho rằng: Việc Đảng Cộng sản Việt Nam thắt chặt mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, là nhằm mục đích củng cố quyền lực chính trị trong nước. Việt Nam khó có thể áp dụng bất kỳ cách tiếp cận cân bằng đáng kể nào chống lại Trung Quốc, vì cách tiếp cận như vậy có thể gây nguy hiểm cho vị thế chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong nước.
Tác giả cho rằng, Chủ nghĩa Dân tộc chống Trung Quốc tồn tại ở Việt Nam, nhưng Đảng đã thành công trong việc quản lý hoặc dập tắt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, biểu thị mối quan hệ không thể xóa nhòa giữa 2 Đảng Cộng sản.
Tác giả nêu nghi vấn: Liệu đây có phải là một lý do quan trọng khiến Việt Nam không có động lực trong việc lên án Trung Quốc. Có thể, ASEAN sẽ đánh mất vai trò và vị trí của mình, khi luôn im lặng trước các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.