Ngày 31/3, bài điểm báo trên RFI Tiếng Việt cho hay “The Economist: Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc loại “bí mật nhất quả đất”.
Theo đó, về sự kiện Chủ tịch nước Việt Nam phải ra đi mà dân chúng không hiểu tại sao, The Economist mở đầu bài viết bằng nhận định “Đảng Cộng sản Việt Nam nằm trong số những tổ chức bí mật nhất trên Trái Đất”.
RFI cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trưng ra trước người dân và thế giới một bộ mặt đồng thuận. Thế nên, việc một Chủ tịch nước năm ngoái bị hạ bệ dưới tin đồn tham nhũng, và cuối tháng 3/2024, Chủ tịch nước thứ 2 là ông Võ Văn Thưởng phải ra đi, đã gây bối rối không chỉ cho người Việt mà cả các nhà đầu tư nước ngoài, vốn coi Việt Nam là nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.
Theo RFI, ông Thưởng tuổi mới hơn 50 tuổi, là Chủ tịch nước trẻ nhất từ trước đến nay. Ông Thưởng lên thay ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi ông Phúc từ chức do liên quan đến vụ án về bộ xét nghiệm trong đại dịch.
Nhưng, vẫn theo RFI, chuyến thăm của vua và hoàng hậu Hà Lan bỗng bị hủy theo yêu cầu của Việt Nam. Và ngày 20/3, Trung ương Đảng thông báo, ông Thưởng đã từ bỏ mọi chức vụ, vì những “vi phạm, khuyết điểm” của ông đã “tạo dư luận xấu” cho Đảng. Bà Võ Thị Ánh Xuân tạm thay thế, và chẳng còn nghe nói gì đến ông Thưởng.
RFI cũng cho biết, Chủ tịch nước chỉ là một trong “Tứ trụ”, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gần 80 tuổi được cho là sức khỏe kém và sẽ về nghỉ trong Đại hội vào năm 2026. Nhân vật quan trọng nhất của Đảng tin rằng, Đảng không thể tồn tại nếu không chống tham nhũng. “Lò” của ông đã thiêu cháy nhiều bộ trưởng, hai phó thủ tướng, hàng loạt quan chức ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Nhưng nhiều nhân vật có ảnh hưởng cũng lợi dụng việc ông Trọng “đốt lò” để tranh giành quyền lực.
RFI tiếp tục cho hay, ông Thưởng vốn được Tổng Bí thư bảo trợ, nhưng theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp ở Singapore, ông được cho là đã phạm sai lầm trong thời kỳ làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 tới năm 2014. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhiều quyền hành và tham vọng, người dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng có thể liên quan đến vụ ông Võ Văn Thưởng rơi đài, và chắc chắn, ông sẽ quyết giành lấy vị trí quyền lực hàng đầu vào năm 2026.
RFI cho biết thêm, một phái đoàn 60 doanh nhân Mỹ, trong đó có Boeing và Meta, vừa đến Việt Nam. Đối với những người quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam, vụ ông Thưởng mất chức là đầy bí ẩn. Một mặt, nó cho thấy tham nhũng đã lan đến mức cao nhất của Đảng. Tham nhũng khủng khiếp đến nỗi, trong vụ án ở Ngân hàng SCB, số tiền lừa đảo lên đến 12 tỉ đô la, cao gấp đôi vụ quỹ 1MDB ở Malaysia từng gây rúng động. Đây là điểm bất định khi muốn rời bỏ Trung Quốc sang đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, các tập đoàn đa quốc gia biết cách xoay sở, vả lại khu vực đầu tư nước ngoài ít bị tham nhũng hơn khu vực nhà nước. Điều tệ hại là khi công việc cải cách bị đình trệ. Ông Trọng nói rằng, vừa chống tham nhũng vừa bảo đảm ổn định là “đập chuột nhưng không làm bể bình”. Những con chuột đã bị bắt, nhưng chiếc bình có vô sự hay không ? Việt Nam sắp có câu trả lời.
Câu trả lời của Việt Nam, theo ẩn ý của RFI, phải chăng là việc sắp xếp nhân sự sắp tới cho chức Chủ tịch nước, để thay thế ông Thưởng? Bởi đây là cuộc đại chiến thượng tầng, có thể dẫn đến việc Đảng mất kiểm soát, khi đó sẽ lộ ra những góc khuất tăm tối nhất của chính trường Việt Nam.
Chiếc bình Đảng Cộng sản Việt Nam lành lặn hay sẽ đổ bể, phụ thuộc vào tương quan lực lượng và khả năng kiềm chế của các phe phái trong Đảng. Chỉ cần một phe mất kiềm chế là có thể xảy ra xung đột, thậm chí có thể là xung đột vũ trang.
Thu Phương – thoibao.de