Bám Huệ Vương sang “chầu” thiên triều, Trần Quốc Tỏ ra mặt chống Tô Đại?

Như vậy là, Vương Đình Huệ đã đặt chân đến Bắc Kinh. Tháp tùng ông là một danh sách rất dài. Đáng chú ý, trong số đó có ông Trần Quốc Tỏ – Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an. Cũng đáng chú ý không kém, đó là, trong lần tháp tùng cùng Vương Đình Huệ, không có ai là đàn em của Tô Lâm. Điều này cho thấy, phe phái trong Đảng đã phân chia rõ ràng.

Lẽ ra, Trần Quốc Tỏ có thể thay thế Tô Lâm, nhưng vì sai lầm của ông Trần Đại Quang mà ông Tỏ mất cơ hội. Vào cuối nhiệm kỳ của Trung ương Đảng khóa 11, ông Tô Lâm dính vào vụ án Mobifone mua AVG, thế nhưng, lúc đó, ông Trần Đại Quang đã đưa Trần Quốc Tỏ rời Bộ Công an, về làm Bí thư tỉnh Thái Nguyên.

Trần Quốc Tỏ trở lại Bộ Công an vào năm 2021, là lúc mà Tô Lâm đã xây dựng bộ khung vững chắc trong Bộ Công an, với 2 Thứ trưởng là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc trấn tọa. Tuy là Thứ trưởng Thường trực, nhưng Trần Quốc Tỏ lại cô đơn trong bộ khung Hưng Yên, do chính trị Tô Lâm dựng lên.

Cú ra đòn “tạo phản” mới đây của Tô Lâm, đã khiến các thế lực trong Bộ Chính trị, mà đặc biệt là thế lực Nghệ An – Hà Tĩnh, bị một phen hoảng loạn. Nhóm Nghệ An đã đưa Phan Đình Trạc nhảy vào, giành vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, nếu Tô Lâm rời đi. Trong trường hợp này, thoibao.de đã có những bài viết phân tích về khả năng Phan Đình Trạc sẽ kết hợp với Trần Quốc Tỏ để khống chế sức mạnh nhóm Hưng Yên của Tô Lâm.

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta” rất đúng với trường hợp Trần Quốc Tỏ. Với việc nhóm Nghệ An ra mặt ngăn cản Tô Lâm, là cơ hội để Trần Quốc Tỏ liên minh với nhóm Nghệ An, chống lại phe Tô Lâm.

Có lẽ, vì một lý do đó, mà trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Vương Đình Huệ, ông đã kéo theo Trần Quốc Tỏ đi cùng. Biết đâu, nếu Tập Cận Bình chọn nhóm Nghệ An của Vương Đình Huệ thì đấy là cơ hội lớn cho Trần Quốc Tỏ.

Giờ đây, Trần Quốc Tỏ không có lựa chọn, nếu không liên minh với phe Nghệ An, thì ông Tỏ không còn cơ hội trong Bộ Công an, và cơ hội để vào Bộ Chính trị cũng bị bít theo. Lâu nay, Tô Lâm rất chú ý đến Trần Quốc Tỏ, vì ông Tỏ là em trai của ông Trần Đại Quang – người trước đây cũng chẳng ưa gì Tô Lâm.

Khi âm mưu tạo phản chỉ còn trong ý định, ông Tô Lâm đã tranh thủ sang Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Tô Lâm chỉ gặp được ông Thái Kỳ – Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, và ông Vương Tiểu Hồng – Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Nhưng ông Vương Đình Huệ đến Bắc Kinh là gặp trực tiếp ông Tập Cận Bình. Đây là lợi thế của ông Huệ. Không biết, ông Huệ đã “xin xỏ” những gì, mà ông phải đi đến 6 ngày – một chuyến thăm dài ngày rất bất thường. Bởi những vấn đề hợp tác công khai giữa 2 nước, thì 2 bên đã trao đổi trước chuyến thăm này, nên nếu vì nhiệm vụ thì không cần dài ngày như thế. Rất có thể, ông Huệ muốn “cầu xin” điều gì, thì mới dự kiến khoảng thời gian dài như thế. Chỉ có cầu xin hoặc ngã giá những điều chưa nhất trí được, thì mới cần thời gian dài.

Trong bối cảnh cung đình của Đảng Cộng sản Việt Nam đang kịch chiến, rất khó thuyết phục người dân rằng, ông Huệ đi Trung Quốc chỉ vì việc công, chứ không phải việc tư của các phe phái được. Ở nhà có bao nhiêu việc cần giải quyết, ghế Chủ tịch nước vẫn chưa ngã ngũ, người thay ông Tô Lâm trong Bộ Công an cũng chưa ngã ngũ, mà ông Vương Đình Huệ lại thăm Trung Quốc. Vậy nếu không thăm vì tìm kiếm lợi thế chính trị, thì mục đích chuyến thăm là gì lúc này?

Việc tháp tùng Vương Đình Huệ đi Bắc Kinh, có thể thấy, Trần Quốc Tỏ đã không chịu ngồi im nữa. Bởi một khi Tô Lâm tạo phản, và có khả năng thâu tóm Bộ Công an về cho phe Hưng Yên, thì Trần Quốc Tỏ không thể ngồi im. Theo Vương Đình Huệ thì có cơ hội, còn không theo thì chẳng còn cơ hội nào nữa.

 

Trần Chương-Thoibao.de