Ngày 10/4, RFA Tiếng Việt có bài “Khả năng Bộ Công an Việt Nam mua vũ khí của Mỹ và những lo ngại”.
RFA dẫn bài viết của nghiên cứu sinh Tiến sĩ Vũ Xuân Khang – Đại học Boston, Mỹ, đăng trên một tờ báo quốc tế, cho rằng, Hoa Kỳ nên xuất khẩu vũ khí và thiết bị an ninh cho Bộ Công an Việt Nam. Tuy nhiên, một số học giả và nhà quan sát khuyến nghị Washington chỉ nên xuất khẩu một cách có chọn lọc để tránh tình trạng lạm dụng.
Theo ông Khang, Hoa Kỳ nên bắt đầu từ việc bán vũ khí hạng nhẹ cho Bộ Công an, như quân dụng, thiết bị bay điều khiển từ xa (drone), hay robot. Đây sẽ là bước đi cần thiết đầu tiên để Việt Nam có được trải nghiệm thực tế với vũ khí của phương Tây.
RFA dẫn bình luận của Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng:
“Hoa Kỳ nên cho phép các nhà thầu an ninh xuất khẩu thiết bị và công nghệ liên quan để trợ giúp Bộ Công an chống tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, rửa tiền, buôn người, buôn bán trái phép ma túy và tiền chất, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, và khủng bố và tài trợ khủng bố.”
Theo Giáo sư Thayer, việc xuất khẩu chỉ nên giới hạn ở những thiết bị kiểm soát đám đông không gây sát thương, để cung cấp cho các đơn vị cảnh sát cơ động có nhiệm vụ đối phó với tội phạm bạo lực, bạo loạn và khủng bố.
Trong bài viết của mình, Vũ Xuân Khang nói, việc Hoa Kỳ trang bị cho Bộ Công an để giúp Hà Nội duy trì an ninh nội bộ trước “thế lực thù địch”, là tín hiệu cụ thể cho thấy, Mỹ tôn trọng chế độ hiện tại, giúp xoa dịu nỗi lo sợ của giới lãnh đạo Cộng sản về một “cuộc cách mạng màu” do Mỹ hậu thuẫn.
RFA nhận xét, việc mua sắm vũ khí của Mỹ cho quân đội Việt Nam vốn sẽ gây tức giận cho láng giềng Trung Quốc, đang có sẵn những bất đồng ở Biển Đông, thì việc mua sắm trang bị cho Bộ Công an để đảm bảo an ninh nội địa, sẽ ít bị Bắc Kinh hoài nghi.
Vẫn theo ông Khang, những vũ khí hạng nhẹ sẽ không phù hợp để tiến hành một cuộc hải chiến giả định với Trung Quốc, và nó cũng sẽ không thu hút nhiều sự chú ý không cần thiết, như việc mua F-16 cho quân đội, trong khi Việt Nam vẫn có thể vun đắp quan hệ quốc phòng với Mỹ.
RFA cũng dẫn đánh giá của ông Hunter Marston – nghiên cứu sinh Tiến sĩ từ Đại học Quốc gia Australia, cho rằng:
“Theo sự hiểu biết của tôi, trở ngại chính là giá cả. Nhân quyền và niềm tin chính trị là những vấn đề đáng lo ngại, nhưng không còn là vấn đề không thể vượt qua.”
Trong bài viết của mình, ông Khang cho rằng, các hợp đồng bán vũ khí cho công an nếu có, cũng chứng tỏ rằng, Hoa Kỳ không coi nhân quyền là trở ngại lớn cho quan hệ hai nước, bất chấp các báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao và một số nhà quan sát bày tỏ quan ngại về nhân quyền, nếu Hoa Kỳ bán vũ khí cho công an Việt Nam.
Theo RFA, trong nhiều năm gần đây, chính quyền độc đảng Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến, Facebooker và cả xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước.
Do đó, RFA dẫn nhận định của nhiều chuyên gia và giới quan sát chính trị, nêu lo ngại về việc Công an Việt Nam có thể sử dụng vũ khí sai mục đích.
Hoa Kỳ giúp Việt Nam tăng cường quyền tự chủ và an ninh, để Hà Nội có thể chống lại sức ép từ bên ngoài (tức là Trung Quốc), nhưng không cho phép chế độ độc đảng đàn áp những người bất đồng chính kiến, hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng của nhà nước an ninh Việt Nam lên chính công dân của mình. Việc tránh những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc cũng không phải là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, ông Khang cho rằng, “từ góc độ chính trị, Hoa Kỳ chỉ có thể cải thiện quan hệ với Việt Nam nếu có thể làm cho Đảng Cộng sản cảm thấy an toàn bằng cách giúp đỡ và tôn trọng những nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí của Công an Việt Nam.”
Thu Phương – thoibao.de