Ngày 4/4, một ổ bay lắc tại căn nhà Paris 06-08 Khu đô thị hạng sang ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng bị phát hiện. Tại đây, có 12 dân phê thuốc, nhưng đáng ngạc nhiên là trong đó có 2 cán bộ công an. Một người thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an Hải Phòng. Người còn lại là cán bộ Đội Hình sự, Kinh tế, Ma túy, Công an quận Dương Kinh, Hải Phòng.
Ngày 11/4, một ổ bay lắc khác lại bị phát hiện, tại một khách sạn ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Trong đó có khoảng 10 Cảnh sát Giao thông của quận 1, quận Phú Nhuận và thành phố Thủ Đức, đang phê ma tuý. Điều đáng nói là, bài trên báo nhà nước đưa tin về vụ việc này đã bị xóa.
Ông Tô Lâm – người đã dính vào vụ Mobifone mua AVG, rồi sau đó là bê bối ăn bò dát vàng tại London – chính là “tư lệnh ngành” của Bộ Công an. Trước đó, Tô Lâm đã đạp lên luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, để sang Berlin bắt cóc người. Một người vừa vi phạm pháp luật trong nước, vừa vi phạm pháp luật nước ngoài, vừa vi phạm đạo đức của người lãnh đạo, mà làm người đứng đầu một ngành có chức năng thực thi pháp luật, thì ngành Công an sẽ như thế nào?
Vấn đề nghiêm trọng nhất là Đảng Cộng sản đã cho phép ngành công an đứng trên pháp luật, và tùy tiện hành động, cộng với loại tư pháp mệnh lệnh, thì điều đó có nghĩa là, Đảng Cộng sản đã và đang khuyến khích cho công an tự tung tự tác.
Ở các nước dân chủ, có tư pháp độc lập, 3 cơ quan tố tụng gồm điều tra, công tố và xét xử cũng làm việc độc lập nhau. Bất cứ sai phạm của cơ quan nào trong quy trình tố tụng, cũng bị 2 cơ quan còn lại ngăn cản.
Ở Việt Nam, cơ quan điều tra là công an, cơ quan công tố là viện kiểm sát, và cơ quan xét xử là tòa án, đều chịu chung một mệnh lệnh từ Đảng Cộng sản. Trong đó, công an sẽ là kẻ dẫn đầu, còn 2 cơ quan kia phải hùa theo. Từ đó, công an mới lộng quyền bức cung, mớm cung, nhục hình vv… để làm án. Và vì các cơ quan khác cũng chạy theo công an, nên mới có thuật ngữ “án tại hồ sơ”. Trong khi đó, ở xứ dân chủ, là “án tại tòa”.
Từ chỗ công an có đặc quyền lớn như vậy, nên lực lượng này ngày một lộng hành hơn. Công an có làm sai cũng không ai dám tố, nên càng ngày họ càng leo thang. Từ năm 2011 đến năm 2014, theo thống kê, có 226 người bị chết trong đồn cảnh sát khi bị tạm giam. Tuy nhiên, chẳng mấy ai kiện nổi những công an viên đánh chết người, bởi họ là kẻ được ưu tiên đứng trên luật pháp. Những năm sau này, chính quyền Cộng sản giấu số thống kê, tuy nhiên, ước lượng, tình hình công an lạm quyền, đánh đập tra tấn, làm giết người không hề giảm. Bởi quyền của Công an được đứng trên pháp luật vẫn còn đó.
Những công an bay lắc, phê ma túy, là hành vi vi phạm cả pháp luật lẫn đạo đức. Từ Hải Phòng cho đến Sài Gòn đều xuất hiện tình trạng này. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm còn nhiều hơn thế rất nhiều lần.
Kiếm tiền từ dân quá dễ trong điều kiện cảnh sát mặc sức “làm luật” cả dân lẫn doanh nghiệp. Tiền kiếm dễ không phải đổ mồ hôi, cộng thêm được Đảng cho đứng trên luật pháp, thì họ tự thỏa bản năng tội phạm của họ. Lực lượng này làm sao có thể gọi là “chấp pháp”? Chấp pháp hay là “hung thần” đối với nhân dân?
Đảng Cộng sản cho Công an cái quyền quá lớn, khiến giờ đây họ phải chịu trái đắng. Tô Lâm đang sử dụng đặc quyền đó để lộng hành, tranh giành ngôi báu với các đối thủ khác. Rất có khả năng, Tô Lâm sẽ lùa Nguyễn Phú Trọng vào vòng kiềm tỏa của ông ta, để ra yêu sách về quyền lực. Hiện nay, Tô Lâm không chỉ là hung thần với nhân dân, mà còn là hung thần đối với các phe phái khác trong Đảng.
Thái Hà – Thoibao.de