Người Việt có câu, “tin đồn không chồn cũng cáo”, để đánh giá về những tin đồn thường xuyên xuất hiện trong đời sống chính trị Việt Nam.
Việc ông Võ Văn Thưởng vừa bị miễn nhiệm chức Chủ tịch nước mới đây là minh chứng.
Mới nhất, đêm 13/4, trên mạng Facebook, nhiều cá nhân được cho là giới thạo tin, đã loan tin, “Rộ tin sắp bắt Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ”. Luật sư Nguyễn Khánh Ngọc đã viết trên trang Facebook cá nhân, cho biết, “Trợ lý LyLy [biệt danh của Huệ Vương] đã bị bế tại sân bay sau chuyến yết kiến thiên triều?”.
Tin bắt Trợ lý của ông Vương Đình Huệ là ông Phạm Thái Hà, xảy ra ngay sau chuyến thăm cấp cao Trung Quốc, giữa lúc cuộc chiến cung đình Việt Nam đang diễn ra quyết liệt. “Sự kiện” này đã trở thành tâm điểm trên các diễn đàn chính trị của người Việt.
Theo giới phân tích, nạn nhân kế tiếp của Tô Lâm là những ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng Bí thư, mà khả năng cao là ông Vương Đình Huệ. Điều đó phù hợp với nhận định của Giáo sư Zachary Abuza rằng, ông Huệ và ông Tô Lâm là 2 ứng viên tiềm năng nhất.
Theo nhà báo Huu-phu-btn – một cây bút thạo tin cung đình:
“Kinh nghiệm thời còn làm phóng viên điều tra: Khi tranh ghế, thì sẽ dùng mọi thủ đoạn tàn hại đối phương. Thằng nào nắm nhiều điểm yếu của đối phương hơn sẽ thắng. Tiên hạ thủ vi cường!Thường thì việc khai thác, phanh phui sai phạm của đối thủ sẽ bắt đầu bằng cách triệt hạ những kẻ thân cận nhất!”
Facebooker Hien Dinh đánh giá, “qua vụ tổng diễn tập bắt bí đái Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi là hỉu rùi; có chứng cớ là bắt trước, rồi trình sau; không cần qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Vụ này sẽ khiến phe của “đom đóm” uổng công, cài Trưởng ban Nội chính và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bây giờ cũng vô tác dụng”.
Đa số các ý kiến đều đồng tình rằng, việc ông Thưởng bị Tô Lâm hạ bệ nhanh chóng, là một bất ngờ lớn khiến phe Nghệ Tĩnh và Vương Đình Huệ cảm thấy run sợ.
Trong lúc, quyền lực của Tô Lâm đang trở nên vô đối, Bộ Công an sẵn sàng “tiền trảm hậu tấu” đối với các nhân sự do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.
Song song với tin đồn ông Phạm Thái Hà bị bắt, có những thông tin từ Hà Nội, tiết lộ cho thoibao.de rằng, ông Hà đã nhận hối lộ lên đến 2.000 tỷ đồng, liên quan đến các dự án cao tốc và các công trình ven biển. Thoibao.de không có điều kiện để kiểm chứng tin này.
Đó là chưa kể đến, có những cáo buộc, ông Huệ trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã có rất nhiều sai phạm tày đình. Mà điển hình là vụ buôn bán hóa đơn trị giá gia tăng VAT, đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ.
Ông Huệ cũng bị cáo buộc liên quan đến bê bối về tham nhũng, nhận hối lộ với quy mô lớn. Đồng thời, ông cũng có mối quan hệ “trên mức tình cảm” với một số phụ nữ không phải là vợ ông. Thậm chí, nhiều ý kiến khẳng định, tội trạng của Vương Đình Huệ lớn gấp vạn lần tội nhận hối lộ 64 tỷ của Võ Văn Thưởng.
Tham vọng giành ghế Tổng Bí thư của ông Tô Lâm là điều có thật, cộng với cơ chế chọn lựa nhân sự lãnh đạo cấp cao bị chi phối bởi tiền bạc như hiện nay, thì chắc chắn, tất cả lãnh đạo cấp cao của Đảng không ai thực sự trong sạch. Khi Tô Lâm cho lật lại hồ sơ của ai thì người đó chết, và Vương Đình Huệ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Từ sau 1990 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chịu sự chi phối trực tiếp từ Bắc Kinh, trong vấn đề nhân sự cấp cao. Nhân sự kế nhiệm cho chiếc ghế Tổng Bí thư trong Đại hội Đảng lần thứ 14 tới đây, chắc chắn cũng như vậy.
Tổng Trọng hiện nay tuổi đã cao, sức đã yếu, và cũng đã hết giá trị sử dụng đối với Bắc kinh. Trong lúc, từ lâu, Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch để thay thế ông Trọng bằng một nhân vật thân Trung Quốc hơn, có bàn tay “sắt máu” hơn, trong việc duy trì chế độ “công an trị”, độc đoán ở Việt Nam.
Dẫu Tổng Trọng hiện vẫn đang giữ thế thượng phong, nhờ kết quả chuyến đi Trung Quốc của Vương Đình Huệ, nhưng với tương quan quyền lực trong Đảng hiện nay, Tổng Trọng và Huệ Vương không được phép chủ quan. Phải hết sức cẩn thận với những tính toán của ông Tô Lâm và phe cánh của cựu Thủ tướng Ba Dũng.
Công luận và giới thạo tin có chung nhận định rằng, bối cảnh cuộc chiến cung đình ở Việt Nam hiện nay, việc cuối cùng ai sẽ là người thắng cuộc, hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định từ Trung Nam Hải./.
Trà My – Thoibao.de