Ngày 22/4, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Vụ Trợ lý ông Vương Đình Huệ: Tin đồn đi trước, tin thật đi sau”.
Tác giả mỉa mai, cuối cùng, Bộ Công an Việt Nam cũng xác nhận tin… đồn, ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) là chính xác!
Theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra sai phạm xảy ra tại Công ty Thuận An, họ phát giác ông Hà có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”
Tác giả cho biết, Thuận An là doanh nghiệp tư nhân, được thành lập vào năm 2004. Trong 10 năm đầu, Thuận An chỉ là một doanh nghiệp bình thường, đến 2014 tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ, gấp 75 lần, và bắt đầu lột xác, vì liên tục thắng các gói thầu liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông (cầu, đường) trên toàn quốc với giá trị càng ngày càng lớn. Trong 5 năm vừa qua, Thuận An tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, trong đó có 4 gói thầu đang chờ kết quả. Tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỷ đồng.
Tác giả nhắc lại việc Bộ Công an Việt Nam đã công bố quyết định khởi tố, bắt giam 3 nhân vật chủ chốt của Thuận An, là ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Trần Anh Quang – Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Khắc Mẫn – Phó Tổng Giám đốc, vì có dấu hiệu “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”.
(hình 02: Ông Phạm Thái Hà – Trợ lý của ông Vương Đình Huệ – người mới bị bắt liên quan Tập đoàn Thuận An)
Theo tác giả, ông Phạm Thái Hà là viên chức thứ 4 bị bắt trong vụ án này, sau 3 viên chức ở Ban Quản lý các dự án tỉnh Bắc Giang. Căn cứ vào tội danh mà Bộ Công an Việt Nam áp vào ông Hà, dường như, ông là nhân vật sắp đặt việc tổ chức thầu, dự thầu và chọn thầu!
Tác giả bình luận, Thuận An chỉ là một tập trong bộ phim nhiều tập do Đảng viết kịch bản, tổ chức sản xuất và dàn dựng, để thực hiện kinh tế thị trường theo “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Trước Thuận An là Phúc Sơn.
Tác giả đề cập đến sự tương đồng giữa 2 công ty này. Phúc Sơn cũng được thành lập vào năm 2004 và 10 năm đầu cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân bình thường. Sau đó, Phúc Sơn liên tục tăng vốn điều lệ lên gấp nhiều lần, và cơ cấu cổ đông là một ẩn số!
Phúc Sơn liên tục giành được các gói thầu có giá trị cực lớn tại nhiều tỉnh trên cả nước. Ngoài việc được chọn để phát triển hạ tầng giao thông, Phúc Sơn còn được chọn để thực hiện các dự án phát triển đô thị từ Bắc vào Nam. Nhưng đa số các công trình, dự án đã giao cho Phúc Sơn, đều dở dang.
Hiện, ngoài 5 nhân vật chủ chốt của Phúc Sơn đã bị tạm giam để điều tra, còn có hàng chục viên chức ở một số tỉnh bị bắt, trong đó, nhiều nhân vật đang tại nhiệm.
Tác giả dẫn lời một viên tướng công an, phụ trách điều tra vụ án Phúc Sơn, bảo với công chúng, đại ý: “Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Theo đó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sơn đã dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực, nhằm chi phối, lũng đoạn, “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở” và “làm xấu hình ảnh của Đảng cũng như chính quyền nhân dân”’.
Tác giả đánh giá, tuyên bố như thế là nói lấy được!
Phúc Sơn chẳng có gì mới, Thuận An cũng vậy. Trong thực tế, khó mà đếm xuể những đại án do một số cá nhân, tuy chỉ điều hành một số doanh nghiệp, nhưng có thể “chi phối, lũng đoạn” toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, từ Trung ương đến địa phương, chứ chẳng phải chỉ cấp “cơ sở”.
Quang Minh – thoibao.de