Ngày 22/4, blog Ngô Nhân Dụng trên VOA Tiếng Việt bình luận “Bà Trương Mỹ Lan nên phải chết hay nên được sống?”.
Tác giả cho rằng, bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì bị cáo buộc biển thủ 12.5 tỷ USD của Ngân hàng SCB. Giết một người không thu hồi được những món tiền đã mất, mà cũng không chấm dứt được nạn tham nhũng, hối lộ, là hậu quả đương nhiên của trong một chế độ độc tài toàn trị.
Bà Lan không thể một mình lấy được nhiều tiền như vậy, phải có nhiều người đã che chở và chia chác với bà, nhưng chưa thấy một quan chức cao cấp nào trong Đảng và nhà nước bị gọi ra tòa.
Tác giả dẫn lời ông Michael Tatarski – một quan sát viên tài chính đang hoạt động ở Sài Gòn, nhận xét rằng, vụ 12 tỷ rưỡi USD của bà Lan là “một vụ phạm pháp lớn hàng đầu trong lịch sử tài chánh thế giới”.
Bà Trương Mỹ Lan đã đưa nước Việt Nam lên hàng một đại cường quốc về tham nhũng!
Tác giả dẫn một số nguồn cho hay, ngoài 12.5 tỷ USD bị bà Lan bỏ túi; số thiệt hại do bà gây ra cho cả nền kinh tế có thể lên tới 27 tỷ USD; và chính quyền Việt Nam đã phải bỏ ra 24 tỷ USD để cứu Ngân hàng SCB; đồng thời, chỉ số Thị trường Chứng khoán VN-Index đã tụt mất 33% trong năm 2023, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10/2022.
Vụ biển thủ lớn này sẽ khiến các công ty lớn ngoại quốc lo lắng, trong ý định chuyển công việc làm ăn từ Trung Quốc qua Việt Nam, để tránh đòn quan thuế khi bán hàng qua Mỹ. Họ sẽ dè dặt hơn trước khi quyết định.
Tác giả dẫn nhận định của một tuần báo quốc tế, theo đó, một điều khó hiểu là, làm sao, một cá nhân có thể đứng ra làm chủ nhiều tài sản như vậy? Hồ sơ tòa án cho thấy, bà Lan làm chủ hơn 1,000 căn hộ và nhà cửa ở Sài Gòn – chuyện chỉ có thể xảy ra nếu được cả guồng máy Đảng và chính quyền bao che.
Tác giả đặt vấn đề, nếu bà Lan có thể mua chuộc được cả nhóm 24 thanh tra viên, để che dấu các món nợ thất thoát và hồ sơ vay giả mạo, thì 40 ngân hàng lớn khác và những quan chức kiểm tra họ, có thể chấp nhận sống ngây thơ lương thiện được không?
Tác giả dẫn ý kiến của Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales ở Australia, rằng: “Tôi không thể tin rằng, bộ máy Đảng và [chính quyền] thành phố Hồ Chí Minh không có tội và không có liên quan”.
Tác giả nhận xét, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tấn công nạn tham nhũng với chiến dịch “đốt lò”, nhưng theo kinh nghiệm ở các nước Cộng sản, thì không bao giờ ông có thể đốt hết được. Những quan chức cấp cao nhất bị cháy ghế – nhưng không chắc đã cháy túi, và họ không bị truy tố theo pháp luật. Họ có thể yên ổn hưởng thụ những đồng tiền đã kiếm được. Người lên thay họ cũng không thể ngăn chặn những vụ biển thủ tiếp theo.
Theo tác giả, nếu xử án tử hình bà Lan, làm cách nào thu hồi lại một phần số tiền biển thủ hơn 12 tỷ USD? Nhiều người muốn bà Lan chết càng sớm càng tốt, vì đó là cách tốt nhất để bịt miệng. Nói rằng, giết bà Lan để làm gương, nhờ thế sẽ giảm bớt được tham nhũng, hối lộ, thì điều đó càng không đáng tin.
Tác giả đánh giá, chế độ độc tài toàn trị Việt Nam dựa trên lòng trung thành của đảng viên, mà không dựa trên pháp luật. Họ không đặt ra các quy chế, luật lệ để thưởng những cán bộ “có công với Cách mạng”, mà tưởng thưởng bằng các chức vụ, tức là các cơ hội ăn hối lộ.
Đường lối đó làm hại nền kinh tế; trước hết, vì nhiều người không có khả năng vẫn được sử dụng. Tai hại hơn nữa là dung túng tham nhũng, tự nhiên không còn tôn trọng luật pháp. Chế độ pháp trị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, là căn bản giúp kinh tế phát triển.
Thu Phương – thoibao.de