Võ đài Hà Nội, võ sĩ tung đòn hiểm vào nhau, hy vọng được Bắc triều chiếu cố!

Trận đấu giữa Tô Lâm và Vương Đình Huệ đã ngã ngũ. Thế trận của Vương Đình Huệ bi đát, hết đường cứu chữa. Thế của Tô Lâm thì như chẻ tre. Sau khi loại Võ Văn Thưởng, Tô Lâm không cần nghỉ ngơi mà tung tiếp đòn hiểm vào Vương Đình Huệ. Không loại trừ khả năng, Tô Lâm đã lên danh sách loại sạch Tứ trụ, để ông một mình một ngựa tiến về đích, mà không còn bị bất cứ lực cản nào.

Chưa bao giờ chính trường Việt Nam loạn như bây giờ, giới chóp bu tranh quyền đoạt lợi, bất chấp tất cả. Kinh tế tê liệt, dân chúng lầm than, doanh nghiệp khốn đốn, vv… không lãnh đạo nào thèm quan tâm. Cả Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đều chỉ quan tâm đến một chữ duy nhất, đó là chữ “ghế”. Kẻ mạnh thì chiến để cướp ghế, kẻ yếu thì chiến để giữ ghế. Ở thời điểm này, ngoài mục tiêu quyền lực, họ không còn mục tiêu nào khác. Bởi một khi mất ghế, thì việc kiếm tiền làm giàu bằng tham nhũng cũng kết thúc, thậm chí, có thể còn phải mặc áo đồng phục Juventus.

Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đều như võ đài, các phe phái đánh nhau loạn xạ, đánh đến đầu rơi máu chảy. Thậm chí, đánh không thèm nhìn phe, người gần ngai vàng nhất, và những mối quan hệ quanh họ, sẽ bị đánh mạnh nhất. Giữa Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính, thì ông Huệ được xác định là gần Tổng Bí thư hơn, bởi lâu nay, ông Huệ được xem là người được ông Tổng chọn để đào tạo và kế thừa. Đó cũng là lý do khiến Tô Lâm quyết định đánh ông Huệ trước, thay vì đánh vào đối thủ truyền thống là Phạm Minh Chính.

Thật là mỉa mai cho chữ “độc lập” mà Đảng vẫn tự hào, rêu rao suốt bao nhiêu năm qua. Vì quyền lực, vì miếng ăn mà mỗi lãnh đạo đều tranh thủ đi triều kiến phương Bắc, tìm kiếm sự ủng hộ. Trước khi tung ra những đòn hiểm nhằm vào các “đồng chí”, ông Tô Lâm cũng đi Trung Quốc “triều kiến”. Vương Đình Huệ khi bị dồn vào đường cùng cũng đi “triều kiến”.

Như vậy, trong Đảng, dù là kẻ mạnh muốn chiếm ghế người khác, hay kẻ yếu có nguy cơ bị loại bỏ, cũng đều quỵ luỵ “thiên triều”. Toàn Đảng chỉ biết hướng về “thiên triều” tìm kiếm sự cứu vớt cho số phận chính trị của mình.

Một khi, kẻ mạnh nhất trên võ đài chính trị, mà vẫn mang tư tưởng cầu cạnh “thiên triều” để bảo đảm cho quyền lực chính trị của mình, thì những thế lực yếu hơn làm sao thoát khỏi “vòng kim cô” này. Chính vì thế, võ đài Hà Nội trong mắt ông Tập chẳng khác nào một cái chuồng gà, nhốt một đám gà chọi. Ông Tập chỉ việc ngồi bên ngoài quan sát cái sới gà này, chọn con gà chiến nhất làm tay sai.

Ông Tập đã chọn cách làm đúng như vậy đối với cặp đấu Tô Lâm và Vương Đình Huệ. Dù cả 2 đều đến Bắc Kinh lấy lòng ông, nhưng ông không thể hiện rõ chọn ai. Ông để mặc cho 2 con gà chọi này đá nhau, gà nào thắng ông chọn con đó.

Với tình trạng giới chóp bu hỗn loạn như hiện nay, người dân Việt Nam không thể hy vọng có một Việt Nam ổn định và phát triển. Bởi một khi triều đình chỉ lo đấu đá, tranh giành quyền lực, thì họ làm sao còn tâm trí và sức lực để lo cho dân cho nước. Hơn nữa, để mưu cầu quyền lực, họ không dựa vào dân, mà lại tìm cách dựa vào ngoại bang, nghĩa là họ không tin dân và cũng không đứng về phía lợi ích của dân. Nói trắng ra là họ đã làm những điều hại dân hại nước, nên sợ dân biết, sợ dân không tin họ, và từ đó họ cũng không dám tin, không dám dựa dân.

Mới đây, lãnh đạo của 2 hãng công nghệ nổi tiếng của Mỹ đã sang thăm Việt Nam và được chào đón nồng hậu. Nhưng họ lại chọn Indonesia làm nơi để rót tiền đầu tư. Điều này cho thấy, họ không tin vào sự ổn định chính trị mà Việt Nam vẫn luôn khoe khoang.

Với ngôn ngữ ngoại giao, các CEO này không nói thẳng rằng, Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam đang loạn, nhưng họ trả lời bằng hành động.

Đảng Cộng sản loạn sẽ dẫn đến sự bất ổn xã hội, đến những trở ngại cho giới doanh nghiệp, ít nhất là trong các thủ tục hành chính, mà hiện nay đã thể hiện rất rõ qua tình trạng “chây ỳ” của công chức. Nhà đầu tư bỏ đi, hậu quả chỉ có dân gánh, đất nước thiệt hại, còn giới quan chức từ thấp đến cao thì vẫn tìm đủ cách để ăn ngập mặt.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de