Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ bị buộc phải từ chức, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thực trạng bất ổn của chính trị Việt Nam. Chỉ mấy tuần sau khi cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải từ nhiệm, nay đến lượt ông Vương Đình Huệ cũng phải ra đi, đều vì dính đến tham nhũng.
Trong khi, truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin, nhưng mang tính tránh né theo lối,“Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ”; thì truyền thông quốc tế khẳng định “ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức vì điều tra tham nhũng”.
Đáng chú ý, hãng tin AP đã đưa ra một nhận xét chua cay rằng:
“Bất ổn chính trị có thể đe dọa tham vọng kinh tế của Việt Nam… Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng này, CEO của Apple – ông Tim Cook cho biết, ông muốn tăng cường hơn nữa việc đầu tư vào nước này. Nhưng sau khi rời Việt Nam, ông Tim Cook đã đổi ý và cho biết, Apple sẽ đầu tư vào Indonesia.”
Điều này hoàn toàn phù hợp với đánh giá của giới chuyên gia, rằng, nền kinh tế Việt Nam đã và đang đình trệ, vì quan chức nhà nước đều sợ sai, sợ bị vào “lò”, nên họ đã thủ thế, không dám ký các quyết định quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp cũng vì vậy mà thủ thế, làm ăn cầm hơi chờ lò tắt, còn nguồn vốn FDI thì lẳng lặng đầu tư sang nước khác.
Nhiều bình luận cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Vương Đình Huệ nói riêng, đã mất điểm nghiên trọng.
Đại tá, nhà báo Trần Nhung – cựu Trưởng ban Thời sự Quốc tế của báo Quân đội Nhân dân đã tiết lộ:
“Dư luận đã xầm xì là, tiền lương vợ chồng anh chắc không thể chu cấp được cho hai đứa con du học, bởi học phí và chi phí rất cao. Về nước, [cậu] con trai ấy công tác ở một đoàn thể chính trị xã hội, được doanh nghiệp biếu ô tô, con anh cũng vui lòng cho nhận. Anh làm một nhà thờ cũng khiêm tốn, nhưng các đồ vật trang trí trong nhà thờ và cây cảnh mà các doanh nghiệp đem biếu, đặt để ngoài vườn, thì trị giá cũng không biết bao nhiêu mà kể.” “Đám cưới con anh, chật một hội trường lớn ở Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, và người ta cho rằng, phần lớn khách dự đều là các doanh nghiệp ở mọi vùng miền của đất nước. Một người hàng xóm liền kề tường nhà anh cho biết, phong bì mừng đám cưới phải chứa tới mấy cái rương mới đựng hết.”
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng viết trên trang Facebook cá nhân cho biết:
“Tôi thân với anh Vương Đình Tiệp, Phó Tư lệnh Hải quân vùng 5. Gần ba chục năm trước, một hôm tôi hỏi anh, thấy có Vương Đình Huệ… có phải họ hàng anh không. Anh bảo, có, nó giống mày, thẳng tưng trong sạch lắm, tài sản chẳng có gì.”
Vậy mà, tác giả mỉa mai, ông Huệ “hôm nay đứt cước điếm nhục gia phong, khổ quá. Lẩn thẩn nghĩ: Đéo ai lại bẹt cái mồm nói tiếng Hanoi, dù mình là người dân xứ Nghệ, đúng là chửi cha không bằng pha tiếng”.
Ông Lê Kiên Thành – một “hoàng tử đỏ”, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã nhận xét về những lãnh đạo vừa bị hạ bệ, trên Facebook cá nhân, trong status “Thật ra, họ là ai vậy?”. Ông Thành cho rằng:
“Họ là những người được đứng vào hàng ngũ những người ưu tú nhất. Sau một thời gian thử thách, qua nhiều cung bậc của chính quyền, Họ được trang bị những lý luận chính trị, kinh tế và cả quân sự sâu sắc nhất.
Qua những lần bỏ phiếu tín nhiệm ở nhiều nơi, đa phần Họ có số phiếu cao nhất. Họ bước lên đỉnh vinh quang sau khi long trọng thề với quốc dân đồng bào về lòng trung thành, về sự hy sinh, về tâm nguyện cống hiến.
Rồi bỗng một hôm, họ buông lỏng, họ vi phạm những điều cấm, vi phạm lối sống bình thường, họ làm tổn hại… và họ biến mất (như chưa từng có) trong đời sống của chúng ta.”
Ông Lê Kiên Thành thẳng thừng đặt câu hỏi: “Tôi, vô cùng đau đớn, chỉ muốn hỏi những người đã kết nạp họ vào tổ chức, đã từng ca ngợi họ, đã bỏ những lá phiếu cho họ, rằng: THẬT RA, HỌ LÀ AI VẬY?”
Đây cũng là câu hỏi mà công luận muốn Ban lãnh đạo Đảng và Tổng Trọng phải trả lời.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ viết:
“Tôi thì đã lâu rồi vô cảm với việc quan chức lên xuống, ngã ngựa, bị đuổi hay bị truy tố. Ăn cho giọng họng mồ hôi nước mắt của dân, nên trả nghiệp cũng là lẽ thường tình. Nhất là ăn bẩn ăn tưởi, rồi còn kéo theo anh em họ hàng ăn cùng, lộng hành cùng, trơ tráo cùng, thì ngàn năm không rửa hết tội lỗi.”
Công luận thấy rằng, liên tiếp 2 Chủ tịch nước và nay thêm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm cũng về vườn vì tham nhũng, vậy mà Tổng Trọng vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra, và không hề chịu trách nhiệm về các “đồng chí” lãnh đạo cấp cao của mình.
Xin hỏi, ông Nguyễn Phú Trọng còn có liêm sỉ và lòng tự trọng hay không, và vì sao, ông không xin từ chức theo quy định, như các đồng chí khác của ông?./.
Trà My – Thoibao.de