Khi hình ảnh ăn thịt bò dát vàng tại London của ông Tô Lâm bị tung lên mạng, đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều người đặt câu hỏi, tiền từ đâu mà ra ông Tô Lâm có thể tiêu xài xa hoa như vậy? Hình ảnh này cũng gián tiếp tố cáo một ông Bộ trưởng không sạch sẽ, vơ vét tiền của dân.
Cũng có luồng ý kiến bào chữa rằng, bữa ăn thịt bò dát vàng kia là do doanh nhân mời. Nhưng thử hỏi, nếu ông Tô Lâm không dùng quyền lực để hỗ trợ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có bỏ tiền ra mời ông hay không? Mà dù dùng quyền lực để trực tiếp vơ vét, hay dùng quyền để giúp cho người khác vét tiền, rồi lại quả cho mình, thì về bản chất cũng giống nhau mà thôi. Tự bản thân quyền không sinh ra tiền tài, chỉ có dùng quyền để cưỡng bức, khiến tiền từ túi người này chảy sang túi người khác, mới đem lại tiền tài cho kẻ cầm quyền.
Nếu câu chuyện như thế này mà xảy ra ở các nước dân chủ, thì ông Tô Lâm đã bị điều tra về nguồn gốc của nguồn tiền sử dụng cho bữa ăn này. Mà ngay tại Việt Nam, nếu chuyện này xảy ra với một người có thế lực yếu, thì có thể bị kỷ luật về mặt Đảng. Nhưng ông Tô Lâm vẫn bình an vô sự, điều này cho thấy, Tô Lâm là bất khả xâm phạm.
Hiện nay, sức mạnh chính trị của Tô Lâm có thể được xem là vô đối, sau khi ông hạ được Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Cuộc đấu đá tranh giành quyền lực ở thượng tầng vẫn chưa kết thúc, bởi mục tiêu của Tô Lâm là ghế Tổng Bí thư. Dù Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đã ngã ngựa, nhưng tham vọng của Tô Lâm vẫn chưa thành.
Có thể nói, so với các đời Bộ trưởng Bộ Công an trước đây, có lẽ, Tô Lâm là người táo bạo nhất, dám làm nhất, và cũng bất chấp nhất. Mà một khi đã dám đại náo Bộ Chính trị, hạ xuống phân nửa “Tứ trụ”, thì sức mạnh cả về binh quyền và thế lực chính trị của Tô Lâm phải tương xứng.
Vậy câu hỏi đặt ra là, sức mạnh của Tô Lâm có được là từ đâu?
Có người nói đùa rằng, “có lẽ, sức mạnh chính trị của Tô Lâm quá khủng khiếp là bởi trong bò dát vàng có thần dược”. Đây là câu nói mang hàm ý mỉa mai, châm chọc. Mỉa mai một chế độ suốt ngày tự xưng là “của dân, do dân và vì dân”, là “đầy tớ của nhân dân” vv… nhưng giới lãnh đạo lại bê tha, bẩn thỉu.
Với thể chế vì dân, thì ông Bộ trưởng ăn một bữa ăn xa hoa bằng 3 tháng lương, có thể tiếp tục ngồi đó hay không? Nếu chính quyền thực sự của dân, thì ông Tô Lâm đã phải từ chức từ lâu, chứ không phải ung dung ngồi ngôi cao, rồi bắt bớ dân bừa bãi.
Thực ra, “thần dược” khiến cho sức mạnh của Tô Lâm trở nên vô đối, chính là thể chế độc tài. Thứ nhất, vì độc tài nên người dân không thể tác động đến những kẻ hại nước hại dân. Thứ nhì, vì độc tài nên mới dùng bộ máy công an điều tra người khác mà lại trừ mình ra, nhờ đó, đối thủ thì gục ngã nhưng bản thân thì lớn mạnh. Trong khi đó, bản thân ông cũng nhem nhuốc như đối thủ, nhưng lại chẳng hề hấn gì.
Hiện nay, với tuổi già sức yếu và bệnh tật, ông Trọng đã không thể nắm trọn quyền hành như trước kia. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, ông Trọng đã không còn an toàn nữa, cho dù với ngay chính đệ tử của ông. Trước đây, ông đã lập ra một bộ máy riêng để “đốt lò”, và bảo vệ vị trí của ông, thì nay, bộ máy đó đã không còn hữu hiệu nữa. Nếu ở một nhà nước dân chủ, chỉ cần người lãnh đạo làm đúng là luật pháp, thì họ sẽ được bảo vệ, ngay cả sau khi họ rời chức vụ, chứ không cần phải lập ra một bộ máy riêng để tự bảo vệ. Không biết, ở tuổi “bát thập” gần hết đời người, ông Trọng có nhận ra điều đó hay không?
Bản chất của thể chế này đã sinh ra một Tô Lâm thâu tóm binh quyền, thì chắc chắn, sau khi Tô Lâm hết thời, cũng sẽ sản sinh ra những Tô Lâm khác, và triều đình cũng lại tiếp tục đấu đá triệt hạ lẫn nhau, để tranh giành quyền lực. Với một chế độ như vậy, thì thứ luật duy nhất tồn tại, đó là luật của kẻ mạnh.
Như vậy, đất nước này làm sao yên ổn cho được?
Thái Hà – Thoibao.de