Nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào Phù Nam cho mục đích quân sự

Ngày 26/4, BBC có bài “Kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu quân sự Trung Quốc tiến vào?”

BBC đề cập đến bài báo Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh, trên Tạp chí Phương Đông, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam,

Bài viết nêu vấn đề:

Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng, khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại, có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia, và tiến đến gần về phía biên giới nước này.”

BBC dẫn Khmer Times cho hay, cựu Thủ tướng Hun Sen đáp trả gay gắt nhận định này. Con trai ông là Thủ tướng Hun Manet cũng đã trấn an rằng, kênh đào Phù Nam Techo quá cạn, tàu chiến không lưu thông được.

BBC dẫn lời ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ, nói, xét về mặt kỹ thuật thì độ sâu 5,4 mét của kênh Phù Nam Techo, đủ cho tàu chiến cỡ nhỏ của Trung Quốc, như tàu hộ tống Type 056A và khinh hạm Type 054A. Tuy nhiên, ông cho rằng, loại tàu nhỏ sẽ bị giới hạn về sự linh hoạt, khả năng hợp lý hơn và sử dụng kênh đào này để đưa bộ binh cùng với các khí tài tiến vào đất liền.

BBC dẫn liệt kê của Đại tá Carl Schuster, người có 25 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ, chuyên viên phân tích về Hải quân Trung Quốc, về các loại tàu Trung Quốc có thể di chuyển trên kênh đào Phù Nam.

Bên cạnh đó, BBC dẫn chỉ trích của ông Thong Mengdavid, một nhà nghiên cứu địa chính trị tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách Công (IISPP), từ Đại học Hoàng gia Phnom Penh, trả lời trên Khmer Times, cho rằng, chuyện phát triển kênh đào Phù Nam Techo hoàn toàn là vấn đề nội bộ và chủ quyền của Campuchia.

Điều 53 Hiến pháp Campuchia cấm cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia .

Theo BBC, ông So Naro, Đại diện Thủ tướng phụ trách vấn đề ASEAN của Campuchia, và ông Kin Phea, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Campuchia, cho rằng, Campuchia “không có nghĩa vụ pháp lý nộp bất kỳ tài liệu nào” cho Chính phủ Việt Nam về các nghiên cứu và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo.

Trong khi đó, Campuchia dường như đang huy động sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực dành cho siêu dự án này, và mới nhất là Lào, trong chuyến thăm của ông Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia.

Vẫn theo BBC, tác động tiềm tàng của kênh đào Phù Nam Techo đối với dòng chảy của sông Mekong, từ đó ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 21 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, đang ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng lẫn chuyên gia tại Việt Nam.

BBC dẫn phát biểu của ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo”.

BBC cũng dẫn tính toán của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho thấy: Vào mùa khô, sau khi có kênh Phù Nam Techo, thì “nước trên sông Tiền và sông Hậu về đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 50%”.

“Những năm khô hạn như 2024, sự thiếu hụt sẽ tăng trầm trọng hơn. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô, chứ không thể xem là không đáng kể. Chắc chắn là, với mực suy giảm theo ước tính như thế này, thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô, và trong các giai đoạn triều cường.”

BBC cho biết thêm, Campuchia vẫn quyết tâm động thổ dự án trong quý 4 năm nay, vì sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

 

Thu Phương – thoibao.de