“Người đứng đầu” là cách nói theo ngôn ngữ nhà nước, còn “xã hội” thì gọi là “ông trùm”. Đơn giản, về bản chất, “ông trùm” là người đứng đầu. Mà người đứng đầu trong các “ông trùm” thì được gọi là “trùm cuối”.
Như vậy, nếu nói những người đứng đầu các bộ ban ngành là “ông trùm” trong lĩnh vực mà họ phụ trách, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “trùm cuối” trong Đảng.
Hiện nay, cách vận hành và các mối quan hệ bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam không khác gì một băng đảng xã hội đen. Giới chóp bu chẳng cần phải thể hiện năng lực, tri thức, để lãnh đạo đất nước, chẳng cần đem lại điều gì có ích cho dân. Họ đánh nhau chí tử, ai mạnh hơn thì người đó trở thành kẻ “đứng đầu”. Trong các băng đảng xã hội đen, luật được dùng là “luật giang hồ”, còn trong Đảng, luật được dùng là “luật của kẻ mạnh”. Chỉ có kẻ mạnh mới có thể sử dụng luật pháp hoặc Đảng luật, để trị đối thủ.
Những năm gần đây, nhiều nhân vật lớn trong Đảng đã bị đánh bật ra khỏi vũ đài chính trị, có thể kể ra như ông Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng và mới đây là Vương Đình Huệ vv… Tất cả đều bị quy “trách nhiệm của người đứng đầu”.
Để lính làm bậy thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm, là hình thức trừng phạt không mới, mà đã có từ ngàn xưa. Trong quân đội thời phong kiến, có câu nói “quân thua chém tướng”, chính là cách quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Ở quốc gia dân chủ cũng có việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Bởi thế mới có những trường hợp thủ tướng, bộ trưởng từ chức v.v… Và cũng chính vì thế mà các quốc gia này mới ngày một phát triển, bộ máy chính nguyền của họ ngày một trong sạch hơn.
Thế nhưng, tại sao quy định “trách nhiệm người đứng đầu” dưới tay ông Trọng lại không những không làm cho Đảng trong sạch hơn, mà thậm chí còn khiến Đảng trở nên bẩn hơn, không làm cho đất nước Việt Nam phát triển hơn, mà ngày một tụt hậu hơn.
Vì sao vậy?
Quy định “trách nhiệm người đứng đầu” ở các nước dân chủ là không trừ một ai, dù có là người ở vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị. Vì không một ai ngoại lệ, nên quy định này giúp loại bỏ những người không có năng lực, yếu kém, hoặc tham nhũng ra khỏi bộ máy. Nó làm sạch bộ máy từ thượng tầng đến cơ sở.
Còn ở Việt Nam, chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng – trong vai trò là người đứng đầu Đảng, cũng không hề chịu “trách nhiệm người đứng đầu” theo quy định mà chính ông ban hành. Trong vai trò là Trưởng tiểu ban Nhân sự của Đại hội 13, nhưng sau khi một loạt nhân sự do chính ông lựa chọn, đã ngã ngựa vì dính tham nhũng, thì ông cũng không hề có động thái nào cho thấy, ông muốn “chịu trách nhiệm đứng đầu”.
Quy định “trách nhiệm người đứng đầu” của ông Trọng đã đánh gục rất nhiều người, nhưng trừ ông ra.
Cũng chính ông Trọng đã tự ban cho chính mình “suất đặc biệt”, để vượt qua quy định giới hạn tuổi tác, giới hạn sức khỏe, và giới hạn nhiệm kỳ, theo Điều lệ Đảng. Nghĩa là, ông tự đạp lên Đảng luật của ông. Đấy cũng là cách ông tạo ra vùng cấm cho chính mình, vùng cấm này cấm Điều lệ Đảng chạm vào ông.
Vậy nhưng, ông vẫn thản nhiên rao giảng về việc đốt lò “không có vùng cấm”, cũng như lên giọng đạo đức trước toàn Đảng và toàn dân.
Để có thể miễn nhiễm với những quy định của Đảng, thì phải đoạt được ngôi vị cao nhất, để trở thành “trùm cuối” trong Đảng. Đó là lý do khiến Tô Lâm đã và đang tìm mọi cách để đánh gục các “đồng chí” trong Đảng, để giành lấy vị trí Tổng Bí thư. Bởi vị trí Tổng Bí thư là “trùm cuối”, là vị trí có thể tự ban cho chính mình những điều “đặc biệt”, mà những ông trùm nhỏ trong Đảng không thể có được. Do đó, nó như một thứ “ma lực”, nó cuốn hút các quan chức lao đầu vào nhau, bất kể thủ đoạn, để tranh đoạt.
Rồi đây, đến lúc, ông Trọng cũng phải rời khỏi vũ đài chính trị, hoặc từ chức giữa nhiệm kỳ, hoặc nghỉ hư khi hết nhiệm kỳ, hoặc có thể do chết. Thế nhưng, tiền lệ mà ông tạo ra và để lại, là cực kỳ tai hại. Dù cho người thay thế ông là bất kỳ ai, thì cũng sẽ là kẻ lạm quyền đáng sợ như ông.
Trần Chương – Thoibao.de