Ngày 30/4, RFA Tiếng Việt đăng bình luận của blogger Đồng Phụng Việt, với tựa đề “VinGroup và công an chỉ “cột dây giày trong ruộng dưa”?”
Tác giả nhẫn bài lược thuật của ông Lê Minh Nguyên trên Facebook, về tai nạn xảy ra hôm 24/4, tại Mỹ.
Theo đó, một gia đình 4 người đã chết hết vì đi xe VinFast, đụng vào cây sồi bốc cháy, vào khoảng 9 giờ tối thứ Tư 24/4 ở Pleasanton, Bắc California.
Một nhân chứng là ông Larry Lai, sống gần đó cho biết, ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ 5 đến 10 giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng 5 đến 8 lần”.
Điều tệ hại, theo ông Lê Minh Nguyên, là VinFast từ chối sự tiếp xúc của hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, VinFast vẫn còn làm thinh về tai nạn.
Ông Nguyên cho rằng, VinFast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với người tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề! VinFast bán xe nhưng nên hiểu là, mạng người không rẻ rúng.
Tác giả Đồng Phụng Việt cho hay, có rất nhiều người trích dịch tin tức về vụ tai nạn trên, từ các cơ quan truyền thông ở Mỹ, nhưng tác giả chọn giới thiệu bài lược thuật của ông Lê Minh Nguyên, vì lý do: ông Nguyên cũng là người Việt, nhưng chắc chắn không cần phải… đào tẩu, và… xin tị nạn như… Sonnie Chan, vì ông ở bên ngoài Việt Nam!
Tác giả đề cập đến trường hợp của Sonnie Trần, tên thật là Trần Mai Sơn, 38 tuổi, nổi tiếng vì chuyên chắt lọc, tổng hợp thông tin từ các cáo bạch của VinGroup, đối chiếu với những tài liệu của các doanh nghiệp ngoại quốc, như Tata, LongChuan,… để phân tích, nhận định về VinGroup và VinFast. Ông Sơn cũng là người Việt như ông Lê Minh Nguyên, nhưng sống ở Việt Nam.
Và việc “bóc phốt” Vin đã khiến Sonnie Tran gặp rắc rối, liên tục bị Công an Việt Nam triệu tập, vì cho là có dấu hiệu “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo tác giả, việc Sonnie Tran bị sách nhiễu đã khiến một số cơ quan truyền thông quốc tế ngạc nhiên, và nêu ra như một hiện tượng vừa kỳ dị, vừa đáng ngại ở Việt Nam.
Tin Sonnie Tran đào tẩu xuất hiện gần như cùng lúc với tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton.
Tác giả nhận xét, thiên hạ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, đã từng và có lẽ sẽ còn tiếp tục bàn tán rất nhiều về việc, tại sao hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại chọn phương thức hành xử theo kiểu “mũ ni che tai”, trước những thông tin, sự kiện mà về mặt nghề nghiệp vốn dĩ không thể bỏ qua, chỉ vì nó không có lợi cho sự nghiệp của VinGroup. Thiên hạ cũng không thể lý giải tại sao, Công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ VinGroup tận tình như vậy?
Tác giả nêu vấn đề: Ông Tô Lâm có biết hiện tượng hết sức bất thường này không? Đặc biệt là, khi hiện tượng hết sức bất thường này đã trở thành “sự kiện và vấn đề” trên truyền thông quốc tế, gây tổn hại cho nỗ lực vận động thiên hạ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh – vấn đề có tính chất sống còn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam – chẳng lẽ, hiện tượng hết sức bất thường đó nằm ngoài phạm trù an ninh kinh tế?
Tác giả cho rằng, chưa có bằng chứng nào về việc Bộ Công an bảo kê cho VinGroup. Cũng chưa có bằng chứng nào về việc VinGroup dùng Bộ Công an, song chẳng lẽ, tất cả đều là ngẫu nhiên?
Ngạn ngữ có câu “trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ”, hàm ý, người tử tế nên tránh gây ngộ nhận. Cả VinGroup lẫn Bộ Công an dưới quyền điều hành của ông Tô Lâm chưa chú ý để tránh ngộ nhận, và trong tương lai có muốn tránh chăng?
Xuân Hưng – thoibao.de