Mới đây, bất ngờ, một số tụ điểm vui chơi giải trí như địa điểm tích hợp cà phê, âm nhạc Mây Lang Thang, và rạp chiếu phim Cinestar chi nhánh Đà Lạt đã đột ngột thông báo tạm ngưng mọi hoạt động vào các ngày lễ 30/4 và 1/5.
Được biết, chương trình văn nghệ 30/4 tổ chức tại Mây Lang Thang rất hoành tráng, có sự góp mặt của các ca sĩ Bằng Kiều, Đan Trường, Lương Bích Hữu trong ngày 30/4; và sự góp mặt của ca sĩ Lệ Quyên, Lê Hiếu, Phương Linh vào ngày 1/5.
Đây được cho là một chương trình đại nhạc hội rất quy mô và tốn kém. Việc bỏ tiền ra mời các ca sĩ nổi tiếng tham gia, Ban Tổ chức đã phải bỏ ra chi phí không nhỏ. Ngoài ra, chương trình này đã được tập dợt bài bản, chỉ chờ đến giờ diễn. Như vậy, việc hủy chương trình sát giờ diễn đã khiến cho đơn vị tổ chức mất rất nhiều tiền, nhưng vì sao chính quyền vẫn buộc phải hủy?
Trang web và Facebook của Cinestar và Mây Lang Thang cho biết, việc huỷ chương trình là “theo chỉ đạo khẩn của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt”. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau đó, các thông báo nói trên đã bị gỡ bỏ hoặc chỉnh sửa lại nội dung.
Hành động mờ ám này của chính quyền Đà Lạt đã đặt ra một dấu hỏi to tướng. Bởi, phải có một nguyên nhân rất cấp bách nào đấy thì chính quyền mới ra chỉ đạo khẩn như thế. Họ buộc chương trình phải dừng, nhưng lại không cho Ban Tổ chức nêu lý do xuất phát từ họ. Vậy, họ muốn che đậy điều gì?
Ngay sau hành động mờ ám của chính quyền thành phố Đà Lạt, thì tin đồn đã rộ lên. Theo đó, những đồn đoán cho rằng, có bạo động tại trung tâm thành phố Đà Lạt, và công an đã ra lệnh đóng cửa siêu thị Go.
Chính quyền Đà Lạt đã lên báo phủ nhận tin đồn này, nhưng không giải thích, vì sao Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt lại cấm các chương trình đại nhạc hội của Mây Lang Thang và Cinestar Vietnam, ngay trước giờ diễn.
Một nhà quan sát đánh giá, theo thói quen ứng xử của chính quyền, dù cho Đà Lạt có bạo động hay không, thì họ cũng bảo là không có bạo động. Bởi việc thừa nhận Đà Lạt hay bất kỳ nơi nào khác có bạo động, là thừa nhận xã hội đang bất ổn, hoặc như ngôn ngữ của họ là “gây hoang mang dư luận”. Theo tư duy Cộng sản, dù có bạo động thì họ cũng giấu tiệt đi, để “tránh lan rộng”, tránh “bọn phản động lợi dụng”… và trong im lặng, họ cũng dễ bề trấn áp hơn.
Cộng sản cai trị bằng lừa mị, nên vẫn luôn dùng chiêu trò để tạo ra một xã hội bình yên giả tạo, để ru ngủ người dân.
Được biết, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng dự kiến, dịp nghỉ lễ giải phóng miền nam 30/4 và quốc tế lao động 1/5 này, sẽ đón khoảng 200.000 lượt du khách. Nhưng việc cấm các chương trình ca nhạc sẽ gây tác động rất lớn đến ngành du lịch của thành phố. Vì vậy, có thể suy đoán, do chính quyền không quản được an ninh trật tự, nên mới cấm.
Thực tế, thượng tầng chính trị Việt Nam đang rất bất ổn. Trong đó, chính ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, là kẻ làm loạn. Tuy nhiên, việc làm loạn ở triều đình dẫn tới bạo động ở địa phương hay không? Và vì sao, chính quyền Đà Lạt phải cấm hoạt động vui chơi giải trí?
Thực tế, dưới thời Tô Lâm, công an địa phương không còn liên kết với chặt chẽ với chính quyền địa phương nữa. Ở cấp tỉnh, giám đốc công an là người của Tô Lâm, thực hiện việc thu thập hồ sơ đen của các quan đầu tỉnh, để thực hiện bắt bớ khi cần.
Việc chính quyền và công an địa phương đã không còn tiếng nói chung, cũng là một nguyên nhân lớn, khiến cho chính quyền địa phương không quản được an ninh trật. Mà một khi đã không quản được, thì cứ cấm cho nó lành, cách xử lý của người Cộng sản trước nay vẫn thế. Bởi nếu để xảy ra vấn đề gì, thì có khi, lãnh đạo địa phương lại bị quẳng vào lò ngay và luôn.
Nên nhớ, hiện nay, ông Tô Lâm mới là người đốt lò, chứ không còn là Tổng Trọng. Mà một khi Tô Lâm muốn đốt, thì sẽ quẳng thẳng vào lò, chứ không thông qua nhiều thủ tục nhiêu khê như ông Tổng.
Như thường lệ, trong trường hợp này, có lẽ, tin đồn đáng tin hơn tin chính thức từ chính quyền Đà Lạt.
Hoàng Anh – Thoibao.de