Đòn hiểm mà Tổng Trọng có thể xuất chiêu với Tô Đại để lật tình thế là gì?

Chính trường Việt Nam đang trong giai đoạn bất ổn và đầy xáo trộn, đây là chuyện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử 94 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giới phân tích khẳng định rằng, chính trường đang nằm trong vòng kiểm soát của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Nhưng vẫn có những cảnh báo, ông Tô Lâm cần hết sức cảnh giác với các âm mưu đáp trả từ Tổng Trọng và phe cánh?

Sự xáo trộn và mất ổn định của nội bộ Ban lãnh đạo Đảng, là nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Việc CEO của hãng Apple – ông Tim Cock, đến thăm Việt Nam, nhưng sau đó lại đưa ra quyết định sẽ đầu tư nhà máy tại Indonesia, là một minh chứng.

Liên quan đến thế và lực của ông Tô Lâm, theo Giáo sư Zachary Abuza, một chuyên gia phân tích chính trị Việt Nam, đã khẳng định:

“Ông ấy [Tô Lâm] đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác, và ông ta thực sự đang ở một vị trí không thể bị tấn công.”

Tuy nhiên, Giáo sư Abuza cho rằng:

“Hiện nay ông Trọng vẫn là người có quyền lực và ảnh hưởng đáng kể. Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu cuộc điều tra về ông Tô Lâm, thì bản thân ông cũng không thể ngăn cản việc đó.”

Điều đó cho thấy, vẫn còn cơ hội điều tra các sai phạm của ông Tô Lâm, dù ông Abuza nhận định “một cuộc điều tra đối với ông Tô Lâm sẽ không xảy ra vào lúc này”.

Giới phân tích cho rằng, “một số không nhỏ lãnh đạo cao cấp trong Đảng, cũng như trong các đại biểu Quốc hội, có nhiều người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm. Và ông Tô Lâm đang là một ứng viên gây chia rẽ trong nội bộ Đảng.”

Công luận cho rằng, trong một đất nước độc đảng như Việt Nam hiện nay, thì thật khó có chuyện quan chức cấp cao không từng “nhúng chàm”. Tất nhiên, ông Tô Lâm cũng không ngoại lệ.

Tô Lâm là một nhân vật có nhiều điều tiếng, như vụ scandal “bít tết dát vàng” ở Lodon cuối năm 2021; hay vụ Tô Lâm trực tiếp chỉ huy chiến dịch bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, Đức, vào tháng 7/2017.

Blogger Đồng Phụng Việt trong bài viết, “VinGroup và công an chỉ “cột dây giày trong ruộng dưa”?”, đã chỉ ra các “lỗ hổng”, mà ông Tô Lâm và phe cánh phải hết sức đề phòng.

Tác giả đặt vấn đề, “thiên hạ cũng không thể lý giải, tại sao, Công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ VinGroup tận tình như vậy? Đặc biệt trong quá khứ, ông Tô Lâm từng dính dáng đến Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) của ông Phạm Nhật Vũ, em trai ông Phạm Nhật Vượng.”

Năm 2014, ông Phạm Nhật Vũ quyết định bán 95% cổ phần của AVG cho Mobifone. Trong khi, giá trị thực của số cổ phần này chỉ có 1.900 tỷ đồng, nhưng Mobifone đã mua với giá lên tới 8.900 tỷ đồng, lấy chênh lệch để chia nhau.

Khi sự việc vỡ lở, ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, bị phạt tù chung thân; ông Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ trưởng Bộ 4T cũng bị phạt 14 năm tù… Vậy mà, ông Phạm Nhật Vũ – đệ tử của Tô Lâm, chỉ bị phạt 3 năm tù. Lý do được đưa ra là, Phạm Nhật Vũ đã chủ động đề nghị hủy thương vụ, trả lại toàn bộ tiền đã nhận cho Mobifone.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người đã ký 3 văn bản “trái quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền”. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đề nghị “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an, trong việc tham mưu ban hành 3 văn bản tham gia ý kiến với Bộ Thông tin Truyền thông.”

Chưa hết, cáo trạng của vụ án Mobifone – AVG cho thấy, 3 văn bản mà ông Tô Lâm ký, không chỉ dọn đường để Mobifone mua cổ phần của AVG với giá trên trời, mà còn là việc Bộ Công an tùy tiện xếp thương vụ này vào diện “Mật” hoặc “Tối mật”.

Đồng thời, Tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp”.

Nhưng không hiểu vì sao, ông Tô Lâm vẫn bình an vô sự sau thương vụ nêu trên.

Theo giới chuyên gia, nguyên tắc khi ra nghị quyết của Bộ Chính trị, là tuân theo ý kiến của đa số. Với cơ cấu của Bộ Chính trị hiện nay, trong tổng số 13 ủy viên, có 4 ủy viên thuộc phe Nghệ An, thì Tổng Trọng vẫn chiếm ưu thế.

Nếu như Bộ Chính trị thông qua yêu cầu: “giao cho Cơ quan Bảo vệ Chính trị Nội bộ – cơ quan tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phối hợp với Cơ quan An ninh Quân đội lật lại hồ sơ vụ án Mobifone mua AVG”, thì cuộc chơi của ông Tô Lâm sẽ có cái kết ra sao, chắc ai cũng biết.

Chúng ta hãy chờ xem./.

 

Trà My – Thoibao.de