Ngày 1/5, BBC Tiếng Việt bình luận ‘“Tứ trụ” Việt Nam: Cơ hội của bà Trương Thị Mai và tham vọng của Đại tướng Tô Lâm”.
Theo đó, “Tứ trụ” Việt Nam nay chỉ còn 2 người, chính trường Việt Nam sẽ có những diễn biến thế nào?
BBC dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza, từ trường National War College, Đại học National Defense, Mỹ, cho rằng, Chủ tịch Quốc hội là vị trí “vô cùng quan trọng cho tính chính danh của Đảng”.
“Tôi nghĩ sẽ rất khó để đất nước vận hành mà không có Chủ tịch Quốc hội, khi mà luật và các quy định cần được thông qua. Việc không có Chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Abuza nói.
BBC dẫn quy định của Đảng và Hiến pháp, theo đó, điều kiện để trở thành Chủ tịch Quốc hội là phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, và phải là Đại biểu Quốc hội.
Hiện những người thỏa mãn các yêu cầu này gồm: ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm, bà Trương Thị Mai và ông Phạm Minh Chính.
Tuy nhiên, BBC nhận xét, ông Trọng đang là Tổng Bí thư và ông Chính đang làm Thủ tướng, đều thuộc “Tứ trụ”, nên không có khả năng 2 người này sẽ thay thế ông Huệ.
Vì vậy, có thể nói, bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm là 2 người có khả năng cao cho vị trí Chủ tịch Quốc hội. Đảng cũng có thể áp dụng ngoại lệ cho người khác, nếu họ muốn.
BBC dẫn nguồn tin từ Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia chính trị tại Úc, nói rằng, bà Trương Thị Mai sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội.
“Và điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết, mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026).”
Giáo sư Abuza cho rằng, bà Trương Thị Mai là người phù hợp nhất, do bà có kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực.
Theo BBC, vai trò của bà Trương Thị Mai không được nhiều người bên ngoài Đảng biết tới, và không quá nổi bật, dù vị trí của bà là một chức vụ cao trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ xếp sau Tổng Bí thư.
BBC dẫn nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà quan sát chính trị Việt Nam, cho rằng:
“Tôi nghĩ, đủ tiêu chuẩn nhất để vào ghế Chủ tịch Quốc hội là bà Trương Thị Mai. Các ủy viên khác đều có khả năng, nhưng không tính mấy ông quốc phòng và công an.”
“Nếu công an, quốc phòng vào, thì danh nghĩa là được lên “Tứ Trụ” nhưng quyền lực thì không bằng bên ngoài.”
Giáo sư Abuza thì nói rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm là người có mong muốn trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm.
“Ông ấy có khả năng mà không đối thủ nào của ông ấy có, đó là quyền lực điều tra khổng lồ của Bộ Công an. Ông ấy có thể đào sâu vào các giao dịch kinh doanh của bất kì ai, có thể nhìn vào cuộc sống cá nhân của họ”, Giáo sư Abuza nói.
Vẫn theo BBC, tính tới cuối tháng 4/2024, Bộ Chính trị khóa 13 từ 18 người nay tụt xuống còn 13, “Tứ Trụ” chỉ còn 2 người.
Những người phù hợp theo quy định của Đảng và Hiến pháp để vào “Tứ Trụ” còn quá ít, mà tuổi lại cao.
Trong số các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, rất nhiều người sẽ quá 65 tuổi vào năm 2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.
Giáo sư Carl Thayer cho hay, vào tháng 11/2023, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết, Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.
“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển.”
“Tôi đã làm việc với quân đội từ xưa đến nay. Khi có chuyện tồi tệ như thế, phải khẳng định rằng người chỉ huy phải chịu trách nhiệm”, Giáo sư Thayer bình luận.
Còn Giáo sư Abuza nhận định rằng, với những diễn biến nhân sự thượng tầng gần đây, từ giờ cho đến Đại hội 14 sẽ còn nhiều “cạnh tranh và đấu đá nội bộ” nữa.
Minh Vũ – thoibao.de