Ngày 30/4, blog Nguyễn Anh Tuấn trên RFA Tiếng Việt bình luận “Vương Đình Huệ bị loại mở đường cho nhiệm kỳ thứ tư của Nguyễn Phú Trọng”.
Tác giả nhận xét, chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian gần đây, ắt hẳn khiến công chúng và giới quan sát kinh ngạc, vì những diễn biến chưa từng có tiền lệ. Với 3 uỷ viên Bộ Chính trị thuộc “Tứ trụ” phải khăn gói ra đi trong vòng 16 tháng.
Trong ba trường hợp này, chỉ có vụ ông Nguyễn Xuân Phúc là có vẻ dễ hiểu trong mắt công chúng, vì gia đình ông “dính” vụ Việt Á. Còn 2 vụ ông Võ Văn Thưởng – với sai phạm từ 12 năm trước; và ông Vương Đình Huệ – với việc để cho Trợ lý mượn danh đến vài chục năm, lại khó hiểu với công chúng hơn rất nhiều, khi hàng loạt câu hỏi được đặt ra và chưa hề được giải đáp.
Theo tác giả, đây là điều vô lý, vì công tác kiểm soát nội bộ của các chế độ Cộng sản luôn được ưu tiên hàng đầu, do nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhằm kiểm chứng chéo lẫn nhau.
Tác giả đặt câu hỏi: Với những sai phạm cũ và kéo dài như vậy, vì sao ông Thưởng và ông Huệ có thể vượt qua những tiêu chí khắt khe đối với nhân sự cấp cao, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, để mà thăng tiến lên những vị trí cao nhất – hàng “Tứ trụ”?
Câu trả lời đơn giản là vì người nắm quyền tối cao – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – muốn như vậy?
Tác giả nhận định, bằng cách này, và cứ thế này, chỉ trong khoảng hơn một 1 nữa, tức là, vào lúc Trung ương phải quyết định phương án nhân sự chủ chốt, sẽ không còn một lựa chọn khả dĩ nào khác ngoài ông Trọng, cho vị trí Tổng Bí thư, mặc cho hồ sơ sức khỏe và bệnh tình của ông.
Ông Trọng sẽ điềm nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, với lời biện bạch quen thuộc, rằng, dù tuổi cao, sức yếu, năng lực có hạn, song không thể thoái thác nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Tác giả cho rằng, nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng cũng sẽ được hợp thức hóa bằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng – lần đầu trong 15 năm – ở kỳ Đại hội tới đây. Việc sửa đổi này được chính ông Trọng công bố lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay, và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nếu điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Tổng Bí thư sẽ được gỡ bỏ.
Vẫn theo tác giả, dĩ nhiên, có người sẽ cho rằng, ông Trọng không cần phải hao tâm tổn trí loại bỏ các thành viên tứ trụ khác như vậy. Với quyền lực hiện tại, nếu muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, ông Trọng cứ thế mà ngồi lại, vì rất ít ai dám thách thức vị trí của ông.
Tuy nhiên, tác giả bình luận, với một người hay nhắc đến danh dự như ông Trọng, ngồi lại là một chuyện, ngồi lại nhưng không bị dèm pha và điều tiếng tham quyền cố vị lại là một chuyện khác. Ông Trọng đã từng gặp phải điều tiếng này vào Đại hội 13, khi ông ngang nhiên tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình, bất chấp giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng.
Tác giả phân tích, ông Trọng sẽ còn vấp phải phản ứng từ dư luận trong Đảng, đặc biệt là từ các nguyên lão – cán bộ cấp cao về hưu. Nhiều người trong số này thuộc lớp đàn anh của ông Trọng, vốn từng chịu ràng buộc về tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ, một cách tự nhiên sẽ không hài lòng trước việc ông Trọng cố tình vi phạm Điều lệ Đảng để ngồi lại.
Họ có thể không phản đối ông Trọng một cách công khai, nhưng sẽ tìm cách đưa ra thông điệp trong Đảng rằng, ông Trọng nên nghỉ hưu để tạo điều kiện cho X, hoặc Y, hoặc Z – những người trẻ khỏe và có năng lực hơn, gánh vác trách nhiệm.
Bằng cách loại bỏ hết, cả X lẫn Y lẫn Z, ông Trọng sẽ làm tắt tiếng những thông điệp như thế, và tạo ra tình thế không còn lựa chọn hợp tình hợp lý nào khác ngoài cá nhân ông, cho vị trí Tổng Bí thư.
Bởi vậy, tác giả kết luận, có thể cho rằng, việc ông Huệ và trước đó nữa là ông Thưởng và ông Phúc bị loại, sẽ mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng.
Hoàng Anh – thoibao.de