Chính quyền có trả lại tiền gửi ngân hàng cho người dân miền Nam say ngày 30/4/1975 hay không?

Ngày 2/5, RFA Tiếng Việt có bài “Ý kiến quanh tuyên bố “trả lại tiền gửi cho dân” sau ngày 30/4/1975”.

Theo RFA, sau 49 năm kết thúc chiến tranh, truyền thông Nhà nước đăng bài “Cựu binh kể thời khắc mở cửa hầm, tiếp quản 16 tấn vàng ngày giải phóng”.

Bài viết nhắc đến việc ông Lữ Minh Châu – Phó ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục, công bố trước hàng trăm nhân viên Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, lệnh tiếp quản và lệnh ngưng hoạt động tất cả các ngân hàng, vào lúc 8 giờ sáng ngày 1/5/1975.

RFA cho biết, ngoài công bố lệnh tiếp quản, ông Châu đồng thời công bố các chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại, của các ngân hàng chế độ cũ, trong đó bao gồm cả việc xác nhận nợ, tiếp quản các kho thế chấp, trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước.

RFA dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng:

Ông [Lữ Minh Châu] không có khả năng làm việc đấy, bởi lúc đấy là lúc thay đổi một chế độ, ông ấy nhân danh gì mà phát biểu như thế?”

RFA dẫn nhận định của Trung tá quân đội Đinh Đức Long, cho rằng:

“Chuyện bàn giao là có. Còn chuyện xử lý như thế nào thì không bao giờ họ tuyên bố trong ngày 1/5 đâu, vì vừa tiếp quản xong, bao nhiêu vấn đề, nói ra hớ thì sao?”

“Xử lý ra sao thì phải xin ý kiến cấp trên, cao nhất là Bộ Chính trị. Tài sản trong ngân hàng quốc gia đâu phải dễ dàng để quyết định trong vài tiếng đồng hồ? Ngay cả ông Lữ Minh Châu cũng không có thẩm quyền tuyên bố giải quyết tiền đó như thế nào. Chỉ nhận bàn giao mà thôi.”

Bên cạnh đó, RFA cho hay, nhiều người dân có tiền gửi trong các ngân hàng trước ngày 30/4/1975, đều cho biết, họ mất trắng cả tiền lẫn vàng. Không có chuyện chính quyền mới trả lại cho họ.

RFA dẫn lời một người hiện ở Sài Gòn, từng là một doanh nhân kinh doanh gỗ thành đạt trước năm 1975, khẳng định rằng, không hề có chính sách trả lại tiền dân gửi như lời công bố của ông Lữ Minh Châu trên báo nhà nước:

“Tôi chắc chắn không có chuyện ông Lữ Minh Châu công bố chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng chế độ cũ. Lý do là quân giải phóng vô tiếp quản với chính sách quân quản, tất cả đặt dưới sự quản lý của quân đội, cụ thể là Tướng Trần văn Trà, cho một Sài Gòn hỗn loạn lúc bấy giờ, thì không bao giờ có chuyện công bố chính sách trả tiền gửi lại cho dân vào lúc đó.

Họ kéo quân vô Sài Gòn như một đội quân ô hợp. Khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Dương Văn Minh nói chờ bàn giao một chính phủ hợp pháp sang cho họ, thì họ nói không bàn giao gì hết, mà phải đầu hàng. Làm gì có chuyện họ công bố trả lại tiền gửi cho dân!”

RFA nhắc lại, ngày 14/3/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 114, về việc xử lý hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, do Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký. Theo Quyết định này, hệ thống ngân hàng ở miền Nam là công cụ của chế độ tay sai, nhắm “lũng đoạn nền kinh tế miền Nam nước ta, để bóc lột, làm giàu trên xương máu của nhân dân ta”.

Do đó, Hội đồng Chính phủ quyết định, “Quốc hữu hoá toàn bộ hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ”. Đồng thời, “đình chỉ chi trả” đối với tất cả các loại tiền gửi ngân hàng; tịch thu toàn bộ tài sản gửi trong các tủ sắt của các ngân hàng cũ.

Như vậy, điều này càng khẳng định việc nhà nước Cộng sản không hề trả lại tiền gửi ngân hàng cho người dân miền Nam sau ngày 30/4/1975.

RFA dẫn lời cựu binh Hoàng Minh Duyệt, người trong Ban Quân quản, kể câu chuyện tiếp quản 16 tấn vàng ngày giải phóng, được truyền thông trích lời cho biết: “Lúc đó chỉ nghĩ là làm sao để không mất đồng xu cắc bạc nào của Nhà nước. Với cả, mình đứng giữa các nhân viên chế độ cũ mà lại có gì không đàng hoàng thì họ sẽ khinh thường cho. Phải làm gương trước những người chế độ cũ”.

 

Ý Nhi – thoibao.de