Nhà ở công vụ cho lãnh đạo là vấn đề của mọi quốc gia, chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng quy mô của các công trình nhà công vụ, lại là vấn đề cần phải xem xét, nhất là trong điều kiện của Việt Nam, nhiều người dân còn bữa đói bữa no, không có nơi tá túc.
Báo Dân Trí ngày 5/5 đưa tin, “Đề xuất Đại tướng được bố trí thuê biệt thự công vụ rộng 450 – 500m2”. Bản tin cho hay, Bộ Xây dựng vừa gửi Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ, cho Bộ Tư pháp thẩm định.
Bộ Xây dựng cho biết, quy định áp dụng với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được nêu tại Nghị định số 76/2016 và Nghị định số 18/2013 của Chính phủ.
Theo đó, đối với các sĩ quan, tướng lĩnh thuộc bộ quốc phòng và Bộ Công an, Dự thảo đề xuất, các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, và những sĩ quan có cấp bậc quân hàm đại tướng… được bố trí cho thuê biệt thự công vụ. Các biệt thự này đảm bảo tiêu chuẩn: cao không quá 4 tầng, có khuôn viên sân vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, đảm bảo hệ thống an ninh, bảo vệ, diện tích đất từ 450 – 500m2. Những biệt thự công vụ này được trang bị nội thất (không gắn liền với nhà ở công vụ), với mức cao nhất là 350 triệu đồng.
Ngoài ra, bản Dự thảo cũng đề xuất bố trí cho thuê biệt thự công vụ, với quy định cụ thể về diện tích đất, khuôn viên, và trang bị nội thất… cho các chức danh khác nhau như: Tổng Tham mưu trưởng, uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng… và nhiều chức vụ khác, kể cả những sĩ quan giữ chức vụ, chức danh, có cấp bậc quân hàm cấp tá v.v…
Trên mạng xã hội và các diễn đàn của người Việt, dễ thấy, đa số các kiến không đồng tình với Dự thảo trên, thậm chí còn phản đối gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng:
“Đây là chế độ nhà cho thuê chứ không phải nhà công vụ nhà nước cấp. Lương bổng cao nhất của Đại tướng – Bộ trưởng Quốc phòng hay Công an, thì cũng không quá 40 triệu đồng/tháng, thử hỏi, lấy tiền đâu ra để thuê biệt thự công vụ rộng năm trăm mét vuông?”
Trong khi, cuộc sống của đa số người dân ở Việt Nam còn hết sức khó khăn, nhiều người còn bữa đói bữa no, mặc chưa đủ ấm. Nhiều người đang trú thân nơi vỉa hè, gầm cầu… chứ đừng nói đến có nhà cửa. Việc định ra tiêu chuẩn biệt thự xa hoa lãng phí cho các đại tướng, cách biệt quá xa với người lao động, như thế có nên hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, làm các cán bộ lãnh đạo Đảng và nhà nước, thì “phải khổ cái khổ trước dân, vui cái vui sau dân, sướng cái sướng sau dân”. Nếu không làm theo lời dạy của Hồ Chí Minh, vậy thử hỏi, các công bộc của dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để làm gì?
Có ý kiến còn cảnh báo: “các ông đã lên đến chức tướng, thì chắc chắn phải có 10 biệt thự rồi, vậy đi thuê nhà công vụ để làm gì? Coi chừng thuê biệt thự công vụ rồi mắc bẫy của Bộ Công an, sẽ bị gắn thiết bị theo dõi và giám sát bí mật. Rồi có lúc sẽ ối giời ơi!”
Công luận đánh giá, đất nước “chưa bao giờ có được như hôm nay”. Từ chỗ cấp nhỏ thì ăn nhỏ, cấp lớn ăn lớn, đến nay, đã tiến tới tình trạng lạm quyền, với đủ các chiêu trò để vơ vét tài sản của đất nước. Đúng như lời của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan than thở: “cán bộ ăn không chừa cái gì của dân”.
Nói về quyền làm chủ của nhân dân, Tạp chí Cộng sản có bài viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và yêu cầu củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong giai đoạn hiện nay”. Tác giả cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu Chính phủ làm không tốt thì dân có quyền đuổi Chính phủ!”.
Xin hỏi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ban bệ của ông có biết những điều đó hay không, mà vẫn cố tình làm bậy? Đó cũng là lý do vì sao, các “thế lực thù địch” của Đảng luôn cáo buộc rằng, chính quyền Việt Nam hiện nay là chính quyền của lực lượng chiếm đóng, và coi dân như kẻ thù./.
Trà My – Thoibao.de