Việc cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương gọi tên, do những sai phạm từ nhiều năm trước, giữa bối cảnh cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng đang quyết liệt, đã trở thành tâm điểm của dư luận.
Qua nhiều năm, những sai phạm của Lê Thanh Hải tưởng chừng như đã trôi vào quên lãng, và ông đã hạ cánh an toàn. Vậy mà, đột nhiên ông lại bị gọi tên. Công luận và giới phân tích cho rằng, ông “trùm” Lê Thanh Hải, một kẻ có hỗn danh là “sâu chúa”, có thể sẽ gặp rắc rối lớn.
Với hàng loạt vi phạm trầm trọng mang tính hệ thống, không chỉ riêng sai phạm tại Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, thông báo mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn cáo buộc, ông Hải có liên quan sâu đến bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong vụ tham ô và lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay.
Giới phân tích trong nước và quốc tế có chung nhận định rằng, trách nhiệm của ông Lê Thanh Hải lớn hơn rất nhiều, so với hình thức kỷ luật mang tính tượng trưng trước đây. Vào tháng 3/2020, ông Hải đã bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật, với hình thức cách chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015. Nghĩa là, cách một chức mà ông đã không còn nắm giữ nữa. Biện pháp kỷ luật này bị đánh giá là “khôi hài” và không đủ răn đe.
Một câu hỏi đặt ra là, tương lai của ông Lê Thanh Hải sẽ ra sao, trong những năm tháng cuối đời? Và liệu, ông Hải có may mắn thoát tội một lần nữa hay không?
Những sai phạm của ông Hải trong Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, được đánh giá là “nghiêm trọng”, có ảnh hưởng lớn đối với kinh tế và xã hội thành phố. Hơn nữa, mối liên quan của ông Hải trong vụ án Vạn Thịnh Phát, với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD, đã được kênh Truyền hình Nhân Dân của báo Nhân Dân nhắc đến. Đây là điều không thể coi nhẹ.
Cụ thể, trong video có nhan đề “Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”, của kênh Truyền hình Nhân Dân, đăng tải ngày 20/4, những sai phạm của ông Lê Thanh Hải bị cáo buộc là, “sự lạm dụng chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính nhà nước”, dẫn tới vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hơn thế nữa, theo giới quan sát, truyền thông của Đảng đang định hướng dư luận, nhằm mở đường cho việc có những biện pháp xử lý mạnh hơn, so với hình thức xử lý kỷ luật trước đây đối với ông Lê Thanh Hải.
Báo chí Việt Nam luôn kiểm duyệt rất chặt đối với phần bình luận trên mạng xã hội. Nhưng bên dưới video kể trên, được đăng ngày 20/4 trên kênh YouTube của Truyền hình Nhân Dân, các bình luận gay gắt nhằm vào ông Lê Thanh Hải lại được tồn tại cho đến ngày 8/5. Đây không phải là điều ngẫu nhiên.
Bên cạnh đó, báo Tiền Phong khẳng định, ông Hải được cho là “khởi nguồn” của những sai phạm nghiêm trọng, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Đặc biệt, ông Hải chính là người đã chỉ đạo, “xé nát” 160 ha đất tái định cư của người dân bị giải tỏa, để trục lợi cho cá nhân và phe cánh.
Trong bài viết “Ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy là chưa “nghiêm minh, quyết liệt”’, báo Thanh Niên dẫn kiến nghị của một số cử tri tại tỉnh Long An: “Đề nghị Trung ương Đảng xử lý quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.
Chưa hết, chỉ vài ngày sau khi ông Hải bị đề nghị kỷ luật, đài Tiếng nói Việt Nam VOV có bài của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc – cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng:
“Qua theo dõi lịch sử Đảng, chưa từng thấy cán bộ cấp cao thuộc diện do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nào, mà bị xử lý kỷ luật nhẹ như ông Lê Thanh Hải.”
Theo ông Phúc, Đảng cần thể hiện rằng, cán bộ cấp cao mắc sai phạm, dù đã nghỉ hưu, cũng sẽ bị xử lý, chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Xin nhắc lại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc chính là nhân vật đã từng có những ý kiến phê phán rất gay gắt đối với Tổng Trọng, trong bài viết “Lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới”. Bài này cũng đăng trên website của Đài tiếng nói Việt Nam VOV, vào thời điểm Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2023) bước vào ngày thảo luận thứ 3.
Những dấu hiệu trên cho thấy, có một ai đó đang quyết tâm muốn xử lý triệt để đối với ông Lê Thanh Hải và Ban lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cùng thời. Có thể, quyết tâm này là nhằm vào các cá nhân và tổ chức, đang cố gắng che chắn cho thế lực chính trị này. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với uy tín của Tổng Trọng./.
Trà My – Thoibao.de