Liệu Quốc hội có bầu bổ sung 2 vị trí thuộc “Tứ trụ” trong kỳ họp tới?

Ngày 9/5, BBC Tiếng Việt bình luận “Họp Quốc hội: Bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội cho đủ “Tứ trụ”?”

Theo đó, ngày 20/5 tới, Quốc hội Việt Nam khóa 15 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 7, trong bối cảnh “Tứ Trụ” đang thiếu mất 2 ghế: Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng, 2 chức danh này sẽ chính thức được đưa ra, để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này.

BBC cho biết, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bắt đầu ngày 20/5 và kết thúc ngày 28/6 tại Hà Nội, và hiện không có quá nhiều sự lựa chọn cho 2 vị trí thuộc “Tứ Trụ”.

Theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, hiện có 4 người đủ tiêu chuẩn để làm Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội, trừ ông Nguyễn Phú Trọng và ông Phạm Minh Chính – 2 trong “Tứ trụ”, thì chỉ còn lại ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai.

Tuy nhiên, BBC dẫn quan điểm của các nhà quan sát, cho rằng, khả năng ông Tô Lâm sẽ ưu tiên ghế Tổng Bí thư, thay vì Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội ít thực quyền. Do đó, các nhận định đều dồn vào bà Mai.

BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho rằng, công cuộc xây dựng Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Có thể thấy, công tác nhân sự rất yếu kém”, ông Thayer bình luận.

BBC nhắc lại, gần đây, có 2 trường hợp ngoại lệ, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dù quá tuổi nhưng vẫn được bầu tại Đại hội 13 của Đảng.

BBC đánh giá, có thể thấy, quy định của Đảng vẫn chừa cho các ngoại lệ.

Dù quy trình bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đều được quy định tại các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam mới là quyết định, còn việc bỏ phiếu tại Quốc hội chỉ là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng – nghĩa là “Đảng quyết, Quốc hội bầu”.

Quy trình bầu một chức danh trong “Tứ trụ” sẽ theo các bước: Đầu tiên, Bộ Chính trị họp để chọn nhân sự. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp, xem xét, cho ý kiến, và thông qua nhân sự giới thiệu cho Quốc hội bầu. Cuối cùng mới đến lượt các nghị gật của Quốc hội bỏ phiếu, để lãnh đạo chính thức nhận chức.

BBC lấy dẫn chứng từ Đại hội Đảng lần thứ 13, vào tháng 1/2021, các đại biểu dự Đại hội Đảng được thông báo:

  • Ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử Tổng Bí thư
  • Ông Nguyễn Xuân Phúc đề cử Chủ tịch nước
  • Ông Phạm Minh Chính đề cử Thủ tướng
  • Ông Vương Đình Huệ đề cử Chủ tịch Quốc hội

Và sau đó, các chức danh trong “Tứ trụ” đã được bầu theo đúng thông báo của Đảng.

Đối với 2 vị trí trong “Tứ trụ” đang bỏ trống, BBC dẫn ý kiến của Giáo sư Carl Thayer và Giáo sự Zachary Abuza, đều cho rằng, bà Trương Thị Mai là ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch Quốc hội.

“Điều đó an toàn, vì bà ấy từng cho biết, mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)”, ông Thayer nói.

Tương tự, Giáo sư Zachary Abuza đánh giá, bà Mai là người “phù hợp nhất” cho vị trí này, do bà ấy có “kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực”.

Bên cạnh đó, BBC cho hay, nhiều chuyên gia nhận định rằng, ông Tô Lâm “không mặn mà” lắm với cả 2 vị trí đang trống.

Giáo sư Abuza nhận định, với chức vụ Bộ trưởng Công an hiện tại, ông Tô Lâm “có quyền lực điều tra khổng lồ” – điều mà các đối thủ của ông không có.

“Việc ông Huệ mất chức khiến khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư càng tăng cao” – ông Abuza nói.

Ngược lại, Giáo sư Thayer cho rằng, ông Tô Lâm không dễ để trở thành Tổng Bí thư, bởi “có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông ấy là một ứng viên gây chia rẽ”.

“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta.”

 

Ý Nhi – thoibao.de