Ngày 10/5, RFA Tiếng Việt có bài ‘“Dữ liệu kiều bào: ý đồ và khả năng thực hiện”.
RFA dẫn nhận định của ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hôm 8/5, nói rằng, tiềm lực của người Việt ở nước ngoài rất lớn, nên cần xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nhân, trí thức, kiều bào, thì sẽ phát huy tốt nhất các đóng góp của đội ngũ này đối với sự phát triển đất nước.
RFA cũng dẫn lời bà Nguyễn Thúy Hồng – Phó Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, đề xuất, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng các sáng kiến của chuyên gia, trí thức, doanh nhân ở nước ngoài.
Ông Hoàng Ngọc Diêu hiện ở Úc, nhận định với RFA rằng:
“Đây là trò mở rộng của Nghị quyết 36 thôi, chứ không có cái gì mới mẻ hết. Cũng là trò tìm mọi cách thu hút chất xám và thu hút đô la từ nước ngoài về thôi… chứ không phải họ thực lòng.”
“Đóng góp có nghĩa phải có sự xây dựng, phải có sự phê bình và bên kia phải có sự thay đổi, thì mới gọi là đóng góp. Đằng này, ai phê bình, đóng góp mà đụng chạm tới chính quyền là họ bắt, họ nhốt thì làm sao có chuyện nhân tài, trí tuệ từ nước ngoài về?”
RFA cho biết, Nghị quyết 36 về “công tác người Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Chính trị đưa ra năm 2004.
RFA dẫn tiếp lời bà Phương Diên, hiện đang ở Úc, thì cho rằng, sự quan liêu, tham nhũng, và chính sách không rõ ràng, thay đổi liên lục “làm cho người Việt ở nước ngoài ngại”.
“Chừng nào có sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, thì chúng tôi mới trở về xây dựng đất nước. Cái Đảng này họ chỉ muốn quyền lợi cho họ thôi. Họ muốn có thêm quyền lực trong tay. Họ không xây dựng đất nước đâu. Họ chỉ xây dựng Đảng của họ thôi.”
Bà Diên nhắc lại một tấm gương của người đi trước, là chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, một triệu phú ở Hà Lan, đã đem hơn 3 triệu đô la Mỹ về Việt Nam làm ăn vào cuối năm 1987. Đến năm 1999, ông bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, ông đã trốn thoát khỏi Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc, nêu quan điểm với RFA:
“Tôi cho từ xây dựng trong ngoặc kép, bởi không loại từ yếu tố an ninh. Nghĩa là, họ lấy thông tin để dễ bề kiểm soát những người có tư tưởng không đúng với tư tưởng của họ. Những người này về đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn…”
Theo ông Tuấn, trở ngại lớn nhất với người Việt ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam làm ăn, là “thủ tục kinh doanh thì không lành mạnh” như nạn phong bì, bôi trơn…
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, cũng nêu quan điểm với RFA:
‘Khi làm một cơ sở dữ liệu về kiều bào, chính quyền không nghĩ hoặc không đặt mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ kiều bào, để giúp họ phát triển bản thân và gia đình trước, mà đặt mục tiêu thẳng luôn là tập hợp họ lại để nhờ họ giúp phát triển, hỗ trợ khi cần.”
“Chính vì cái tư duy như vậy, cho nên, thái độ và hành động của chính quyền đối với kiều bào qua bao nhiêu năm vẫn không thể thay đổi. Kiều bào mà cần sự giúp đỡ thì liên lạc với đại sứ quán ở nước ngoài rất khó.”
“Muốn nhận được sự giúp đỡ của kiều bào, chính quyền cần thay đổi cách đối xử với nhân dân trước, phải khoan dung với các tiếng nói khác biệt, phải tôn trọng những quyền cơ bản của người dân, và phải cải cách để diễn ra một cuộc bầu cử tự do, để tạo tính chính danh cho chính quyền.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, khi một chính quyền có tính chính danh, được dân bầu chọn công khai, có tính khoan dung và mở lòng đối với các ý kiến, dù khác biệt, thì người dân ở mọi miền trên khắp quốc gia và trên thế giới sẽ tìm cách giúp đỡ quốc gia, mà không cần phải kêu gọi.
Hoàng Anh – thoibao.de