Ngày 12/5, BBC Tiếng Việt cho hay, quan sát những biến động chính trị từ đầu năm đến nay ở Hà Nội, nhiều nhà phân tích quốc tế đưa ra các nhận định và câu hỏi lớn về tương lai Việt Nam. Vấn đề này được phân tích trong bài viết “Chính trị Việt Nam xáo động, tại sao Trung Quốc được nhắc tới?”.
BBC đề cập đến bài viết của tác giả Bill Hayton được đăng tải trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) tập trung nhiều hơn tới sự ảnh hưởng của chính trị tới chính sách ngoại giao của Việt Nam. Theo đó, Hà Nội đang dần rời xa phương Tây và nghiêng về phía Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Bill Hayton, dù từng hưởng lợi nhiều từ việc phương Tây đa dạng hóa đầu tư và rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang ngày càng trở thành một lựa chọn “rủi ro cho các nhà đầu tư”.
BBC dẫn bài bình luận trên tờ Bloomberg, bà Karishma Vaswani cũng đánh giá rằng, Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược “Trung Quốc + 1”, do xuất hiện những lo ngại từ Mỹ về tính hình chính trị của Việt Nam.
Với việc, cả ông Chính lẫn ông Tô Lâm đều đi lên từ ngành công an, Tiến sĩ Hayton cho rằng, Việt Nam đang càng mang đậm dấu ấn của một nhà nước “công an trị”. Điều này sẽ khiến các quốc gia dân chủ gặp khó khăn trong việc hợp tác với Việt Nam.
BBC nhận xét, dù vẫn còn đó những bất đồng về chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn là đối tác lâu đời của Việt Nam trên nhiều phương diện.
Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2008, tới nay đã hơn 15 năm, và vào cuối năm ngoái đã nhất trí cùng nhau xây dựng cộng đồng “chia sẻ tương lai”.
Lãnh đạo 2 nước thường xuyên có các cuộc gặp mặt để tăng cường nhận thức chung của hai Đảng Cộng sản, và chia sẻ kinh nghiệm quản lý đất nước.
BBC nhắc đến một loạt chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian gần đây. Như, chuyến thăm của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; chuyến thăm của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ..
Không chỉ gần gũi Trung Quốc, Việt Nam vẫn luôn giữ mối quan hệ thân thiện với Nga, bất chấp sự chỉ trích của phương Tây đối với quốc gia này.
BBC cho hay, hôm 9/5, đã có thông tin Việt Nam trì hoãn cuộc gặp với Liên minh châu Âu (EU) để chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.
Gần đây, tài khoản X (Twitter) của BRICS đã đăng thông tin Việt Nam nộp đơn xin gia nhập tổ chức này trong năm 2024.
BRICS là nhóm ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – là những quốc gia có nền dân chủ kém hoặc độc tài.
BBC cũng đề cập đến bài viết của chuyên gia tài chính Shuli Ren, đăng trên Bloomberg mới đây, nhận định, chiến dịch “đốt lò” của Tổng Trọng là một yếu tố khiến xu hướng đầu tư vào Việt Nam dần tập trung về các tỉnh và thành phố miền Bắc, như Hà Nội, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh.
Những chuyển động bên trong chính trường Việt Nam đang dần “biến miền Bắc Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc”, bà Ren đánh giá.
BBC cho biết, ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, cũng có đánh giá tương đồng.
Ông Brown cho rằng, vụ Vạn Thịnh Phát là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.
“Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong Đảng của ông ta đang cố gắng làm, là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay,” ông nói.
BBC dẫn đánh giá của Phó Giáo sư Jonathan London, nhà quan sát chính trị đương đại Việt Nam, đăng trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu Iseas, Singapore, cho rằng, chiến dịch “đốt lò” của Việt Nam không giải quyết được cốt lõi vấn đề.
Với cơ chế độc đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ Đảng. Đây mới là vấn đề cốt lõi mà Việt Nam cần giải quyết.
Thu Phương – thoibao.de