Cùng với Tô Chủ tịch, “nhà nước cảnh sát” của Việt Nam sẽ lên tầm cao mới!

Hiện nay, dù báo chí lề Đảng vẫn câm như thóc, nhưng mạng xã hội và truyền thông quốc tế đang rộ tin đồn, Tô Đại tướng của Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch nước.

Mà ở Việt Nam, cho dù đôi khi khá hỗn loạn, nhưng tin đồn vẫn luôn có độ khả tín nhất định.

Một số nhà quan sát chính trị quốc tế cho rằng, nếu ông Tô Lâm lên vị trí Chủ tịch nước – vị trí nguyên thủ, đại diện cho hình ảnh quốc gia trước cộng đồng quốc tế – thì ấn tượng về “nhà nước cảnh sát” hay “nhà nước công an trị” của Việt Nam, sẽ đậm hơn trong mắt quốc tế.

Trong mắt quốc tế, Tô Lâm – với cái miệng há to đớp miếng thịt bò dát vàng, với đôi tay vung vẩy chỉ đạo những cuộc bắt cóc xuyên quốc gia, với nụ cười dối trá lừa cả lãnh đạo của Slovakia để mượn máy bay… có thể để lại ấn tượng gì tốt đẹp?

Trên thế giới, chỉ có các quốc gia độc tài thì tướng tá quân đội mới trở thành nguyên thủ, như Đại tá Gaddafi của Libya, hay Thủ tướng đương nhiệm của Myanmar – Thống tướng Quân đội Min Aung Hlaing.

Việt Nam, dưới sự lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng sản, thì sự xuất hiện của các nguyên thủ quốc gia xuất thân từ các lực lượng vũ trang là điều dễ hiểu.

Từ ngày Đảng Cộng sản cầm quyền đến nay, cách quản trị nhà nước của Đảng vẫn luôn theo mô hình “nhà nước cảnh sát”, ngay cả trong giai đoạn mở cửa – giai đoạn được cho là cởi mở nhất của chính quyền.

Thuật ngữ “Nhà nước cảnh sát” dùng để chỉ một nhà nước sử dụng lực lượng cảnh sát để kiểm soát, và có tính áp bức đối với đời sống chính trị – kinh tế và xã hội. Người dân sống trong một nhà nước cảnh sát phải chịu sự hạn chế về việc di chuyển, hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, thường bị theo dõi, bị sách nhiễu, ngăn chặn… Những việc này thường được thực hiện bởi một lực lượng cảnh sát mật vụ, với những hành vi vượt quá mức độ cho phép của pháp luật.

Đối chiếu với khái niệm trên, dễ dàng chứng minh, nhà nước Việt Nam là một nhà nước cảnh sát.

Mọi quyền về dân sự và chính trị của người dân Việt Nam đều bị chính quyền ngăn cấm, ví dụ như quyền tự do lập hội, quyền thành lập công đoàn độc lập. Cho dù nhà cầm quyền đã nhiều lần cam kết với quốc tế, thông qua các hiệp định thương mại, như Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam EVFTA, hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, nhưng họ vẫn tìm cách dây dưa, kéo dài thời gian thực hiện. Thậm chí, mới đây, nhà cầm quyền còn túm cổ ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động – vì cái tội “dám” thúc đẩy quyền được thành lập công đoàn độc lập của người lao động.

Ngoài ra, việc Việt Nam đang giam giữ hàng loạt nhà báo, khiến tổ chức Phóng viên Không biên giới RFS liên tục xếp Việt Nam “đội sổ” trong bảng xếp hạng các quốc gia về tự do báo chí…

Tất cả những điều này đều là chỉ dấu của một “nhà nước cảnh sát”.

Tuy nhiên, nhà nước cảnh sát cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Nếu trong nhà nước cảnh sát, chính phủ do những lãnh đạo dân sự điều hành, thì mức độ tôn trọng luật pháp sẽ cao hơn, còn do một tướng lĩnh cầm quyền, thì mức độ độc đoán, chuyên quyền sẽ cao hơn.

Dù ở Việt Nam, chức Chủ tịch nước thiên về tính nghi lễ hơn là thực quyền, nhưng nếu chức vụ này rơi vào tay Tô Lâm, thì có thể, câu chuyện sẽ khác.

Ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã làm ra những chuyện kinh thiên động địa, như việc sang tận Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh như chốn không người, sang Thái Lan bắt cóc Trương Duy Nhất, rồi Đường Văn Thái đem về nước, coi khinh cả Cao uỷ Tị nạn Liên Hợp Quốc.

Rồi vụ tấn công theo kiểu “đột kích” vào thôn Hoành, lúc rạng sáng 9/1/2020, bắn chết cụ già 84 đang trong phòng ngủ, nhà riêng của cụ, khiến cả người Việt và quốc tế đều bàng hoàng – món nợ máu này, phải tính lên Tô Lâm.

Phải thừa nhận, về mức độ sắt máu, mặt dày và gian manh, Tô Đại tướng – trong một tương lai gần sẽ là Tô Chủ tịch, ăn đứt các bậc đàn anh, các vị tiền bối của ông.

Với một nguyên thủ quốc gia có “bề dày thành tích” như vậy, làm sao Việt Nam có thể đem lại ấn tượng tốt đẹp cho cộng đồng quốc tế? Làm sao các nhà đầu tư có thể yên tâm rót vốn đầu tư vào Việt Nam?

Hơn nữa, khi quyền lực quốc gia rơi vào tay một kẻ chuyên quyền, thì việc thâu tóm, kiểm soát nền kinh tế, chắc chắn cũng sẽ “lên tầm cao mới”, mà câu chuyện Xuân Cầu Holding chỉ là khúc nhạc dạo mà thôi.

Như vậy, làm sao Mỹ và các nước Phương Tây dám công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường?

 

Chúc Anh – thoibao.de