Ông Trần Thanh Mẫn được lựa chọn “đơn giản vì thiếu người”

Ngày 20/5, BBC Tiếng Việt bình luận “Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: quyền lực mới hay phương án tạm thời?”

BBC đề cập đến việc ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội – người được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, vào đầu tháng 5, sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm. Ông Mẫn vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam – một vị trí trong “Tứ trụ”.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza, từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), cho rằng, Chủ tịch Quốc hội là vị trí “vô cùng quan trọng cho tính chính danh của Đảng”. Bởi, không có Chủ tịch Quốc hội điều hành, thì không thể thông qua các luật và quy định.

“Việc không có Chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Abuza nói.

BBC cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, ở Đại học News South Wales, Úc, cho rằng, ông Mẫn là giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội 14.

“Tôi luôn nghĩ rằng, ông Trần Thanh Mẫn là một sự lựa chọn hợp lý cho chức Chủ tịch Quốc hội, vì ông ấy có kinh nghiệm”, Giáo sư Thayer từng đánh giá sau khi ông Huệ mất chức.

Do chưa tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ, việc ông Mẫn kế nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội là một “trường hợp đặc biệt”,“đơn giản là họ đang thiếu người”, theo Giáo sư Thayer.

Hơn nữa, Giáo sư Abuza đánh giá:

“Người miền Nam gần gây rất lo ngại rằng, họ đã bị gạt ra rìa. Ông Mẫn có kinh nghiệm làm trong chính quyền ở tỉnh, ông ấy cũng đã ở trong Ban chấp hành Trung ương một thời gian dài, nên đây cũng là điều hợp lý.”

“Tôi biết, chúng ta không coi trọng nghị viện trong hệ thống Cộng sản độc đảng. Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam cũng có một quy trình cân nhắc kĩ lưỡng, các phiên chất vấn của họ thường được phát sóng trực tiếp, nên người dân thích xem Quốc hội buộc Chính phủ phải chịu trách nhiệm.”

“Người đứng đầu Quốc hội là người giữ cân bằng tinh tế, vừa đảm bảo đại diện cho Đảng, lợi ích và những gì Đảng muốn, đồng thời cho phép tranh luận diễn ra và cân nhắc về chính sách.”

BBC cho biết, trong số các Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, kể từ năm 1992 đến nay, có 2 người đã trở thành Tổng Bí thư, đó là ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng.

Ngược lại, Văn phòng Chính phủ đã không thể đưa các Thủ tướng tiến xa hơn.

Nếu bạn nhìn vào ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội đã là bước đệm cho vị trí cao hơn. Vẫn còn quá sớm để nói, và dù ai là Chủ tịch nước hay Chủ tịch Quốc hội, họ đều phải đi qua nhiều cánh cổng nữa, vượt qua các cuộc thăm dò ý kiến trong Ban Chấp hành Trung ương để được đề cử cho chức Tổng Bí thư” – Giáo sư Thayer nhận xét.

“Tôi không thể nói rằng, ông Tô Lâm có chiến thắng trong cuộc đua kế nhiệm hay không, nhưng vẫn còn nhiều thời gian để những người lo ngại về ông Lâm tìm kiếm một gương mặt khác”, ông Thayer nói.

BBC cũng cho biết, Chủ tịch Quốc hội là một vị trí mà nam giới chiếm đa số. Người phụ nữ duy nhất ngồi ghế này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

BBC cho biết thêm, ông Trần Thanh Mẫn sinh năm ngày 1962, quê quán xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ông là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông Trần Thanh Mẫn bắt đầu sự nghiệp chính trị với chức vụ Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, vào năm 1988.

Sau đó, ông là cán bộ trưởng thành ở Cần Thơ, lần lượt kinh qua nhiều chức vụ ở đây, chức vụ cao nhất là Bí thư Thành uỷ Cần Thơ, nhiệm kỳ 2011 – 2015.

Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vào năm 2021, Quốc hội khóa 14. Sau đó, ông tiếp tục giữ vị trí này trong Quốc hội khóa 15, đồng thời được bầu vào Bộ Chính trị khoá 13.

 

Xuân Hưng – thoibao.de