Tranh giành Bộ Công an: 3 sư tử tấn công 3 con báo. Cửa nào cho loài báo?

Ngày 17/10/2020, ông Nguyễn Phú Trọng đưa Nguyễn Văn Nên, khi đó đang là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, về Sài Gòn tiếp nhận chức Bí thư Thành uỷ. Khi mới về làm lãnh đạo thành phố, Nguyễn Văn Nên là Ủy viên Trung ương Đảng. Đây là trường hợp chưa từng có trước đó, bởi Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh luôn phải là Ủy viên Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, lúc đó, thế lực của Tổng Trọng bao trùm trong Đảng, nên ông cứ tự tạo ra tiền lệ mới. Bố trí cho Nguyễn Văn Nên làm Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh trước, rồi sau đó đưa vào Bộ Chính trị sau. Đến đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Nên đương nhiên được một ghế trong Bộ Chính trị.

Hiện nay, chức Bộ trưởng Bộ Công an đang được dư luận quan tâm. Vị trí này, lâu nay cũng do Ủy viên Bộ Chính trị nắm giữ. Dựa vào tiền lệ này, một số nhà phân tích cho rằng, tân Bộ trưởng Bộ Công an kỳ này, phải là một trong các uỷ viên Bộ Chính trị. Và từ đó, người ta đưa ra 3 cái tên: Phan Đình Trạc – Nguyễn Hòa Bình – Trần Cẩm Tú; hoặc Phan Đình Trạc – Trần Cẩm Tú – Nguyễn Văn Nên.

Cũng dựa vào tiền lệ này, người ta đã loại 3 cái tên khác, đó là: Trần Quốc Tỏ – Lương Tam Quang – Nguyễn Duy Ngọc.

Chế độ này vô pháp, từ ngoài xã hội cho đến trong nội bộ Đảng. Đối với dân, chính quyền hành xử theo kiểu “luật là tao, tao là luật”; giữa các đồng chí với nhau, kẻ nắm quyền cũng áp dụng quy tắc kẻ mạnh “luật là tao, tao là luật”, mà người thực hiện điều này nhiều nhất, chính là Tổng Trọng.

Luật Đảng giới hạn tuổi, giới hạn số nhiệm kỳ, và đặt điều kiện về sức khỏe lãnh đạo, nhưng ông Tổng Bí thư có xem Đảng luật ra gì đâu? Ông vẫn phá bỏ, vẫn áp dụng điều kiện ngoại lệ cho mình.

Với vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Trọng cũng phớt lờ tiền lệ trong Đảng, để đưa một Ủy viên Trung ương Đảng về nắm chức này. Hay ở Đại hội 13, ông đưa Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa lên nắm chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – vị trí trước đó đều do Ủy viên Bộ Chính trị nắm giữ. Nhưng ai dám bắt bẻ ông? Ông là kẻ mạnh nhất – ông có quyền. Chỉ đơn giản là như vậy.

Ngày 14/5, BBC Tiếng Việt có bài “Ai có thể làm Bộ trưởng Công an nếu ông Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới?”. Trong đó, tác giả bài viết đưa ra 3 cái tên, đó là 3 uỷ viên Bộ Chính Trị, gồm Phan Đình Trạc – Nguyễn Hòa Bình – Trần Cẩm Tú. Đồng thời, tác giả cũng gọi ra 3 cái tên khác, đều là uỷ viên Trung ương Đảng, mang hàm Thượng tướng, và là Thứ trưởng Bộ Công an. Đó là: Trần Quốc Tỏ – Lương Tam Quang – Nguyễn Duy Ngọc. Đây là được xem là đánh giá thận trọng, bởi tiền lệ chưa có Bộ trưởng Bộ Công an nào chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng chưa cũng không có nghĩa là không có.

Mới đây, một nguồn tin ngoài luồng cho rằng, đang bầu chọn Bộ trưởng Bộ Công an trong 3 cái tên, là Phan Đình Trạc – Trần Cẩm Tú – Nguyễn Văn Nên. Tuy nhiên, thông tin này không có cơ sở, vì việc bỏ phiếu chọn Bộ trưởng Bộ Công an không có trong chương trình làm việc của Quốc hội. Đồng thời, trong thời gian này, không có bất kỳ cuộc họp nào của Bộ Chính trị hay Trung ương Đảng, để có thể quyết định vấn đề này. Bởi hầu hết các uỷ viên Bộ Chính trị và uỷ viên Trung ương Đảng đều là đại biểu Quốc hội.

Trong nhóm 3 uỷ viên Bộ Chính trị mà BBC đưa ra, theo một số nhà phân tích, họ có lợi thế hơn 3 Ủy trung ương Đảng. Ba uỷ viên Bộ Chính trị được xem là 3 con sư tử; còn 3 uỷ viên Trung ương Đảng được xem là 3 con báo. Dù sư tử có ưu thế hơn báo về sức mạnh, nhưng báo cũng có những lợi thế của riêng.

Hiện tại, ông Phạm Minh Chính tạm bố trí ông Trần Quốc Tỏ điều hành Bộ Công an, cho đến khi có Bộ trưởng mới. Có khả năng, các bên vẫn đang chiến với phe Hưng Yên, để giành ghế Bộ trưởng, nhưng chưa ngã ngũ.

Trận đấu giành “cup vô địch Bộ Công an” vẫn chưa cất tiếng còi mãn cuộc. Phe dẫn bàn chưa chắc 100% đã thắng. Phải đợi đến khi kết thúc, đến chung cuộc thì mới rõ. Hiện giờ, cơ hội cho phe Tô Lâm dù ít nhưng vẫn còn.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de