Tứ trụ hay Tam trụ + 1? Kẻ khôn cắn nhau, anh “khờ” hưởng lợi?

Chưa có nhiệm kỳ Đại hội Đảng nào lại có nhiều Hội nghị Trung ương bất thường, như Trung ương Đảng khóa 13 này. Trong 3 năm, đã có 7 Hội nghị Trung ương bất thường, trong khi đó, chỉ mới có 9 Hội nghị Trung ương chính thức.

Theo thông lệ, mỗi năm, Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương 2 lần, để giải quyết những vấn đề của Đảng và của quốc gia. Nếu là vấn đề quốc gia, ít khi phải họp Hội nghị bất thường, bởi đất nước không ở trong tình trạng nguy cấp. Cả 7 Hội nghị bất thường vừa qua, đều là để giải quyết các vấn đề nhân sự của Đảng. Điều này chứng tỏ, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất hỗn loạn.

Cho đến nay, ghế Tứ trụ đã sắp xếp xong, nhưng ghế Bộ trưởng trống do ông Tô Lâm để lại, vẫn chưa sắp xếp được. Đơn giản là, các phe vẫn còn đấu nhau, và chưa ngã ngũ bên nào thắng. Tuy ông Tô Lâm rời Bộ Công an, nhưng guồng máy do ông xây dựng trong 8 năm, vẫn còn đó, không thể phá đi trong ngày một ngày 2 được.

Trong vai trò tạm giữ quyền điều hành Bộ Công an, Trần Quốc Tỏ cũng khó mà chống lại những đường lối, những sắp xếp do Tô Lâm để lại.

Sáu tháng 1 kỳ Hội nghị Trung ương, nhưng vẫn không đủ để các phe nhóm trong Đảng bàn bạc về vấn đề chia chác quyền lực. Hiện nay, trong Đảng cứ chia phe đánh nhau, đánh rụng người thì lại họp, lại ăn chia. Chia xong thì lại đánh tiếp… Cứ thế, Hội nghị Trung ương bất thường xảy ra liên miên, chỉ để bàn về chuyện chia chác quyền lực. Đồng thời, họ cũng tận dụng cả các Hội nghị Trung ương chính thức, để bàn chuyện chia chác, còn các vấn đề dân sinh, vấn đề quốc gia, thì không mấy ai quan tâm.

Tuy Tứ trụ đã trám đủ, nhưng trật tự thì chưa rõ. Hiện nay, có 3 trụ vẫn đang tiếp tục hằm hè nhau. Đó là Tổng Bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước. Tạm thời, Chủ tịch Quốc hội chỉ đứng bên lề, còn 3 trụ kia thì sống mái với nhau, cho đến khi chỉ còn một. Trong vòng 20 tháng tiếp theo, chính trường hứa hẹn sẽ có nhiều tình huống bất ngờ.

Nếu đặt lên bàn cân để so sánh, thì 3 trụ Tổng – Chính – Tô là những đối thủ nặng ký, còn Chủ tịch Quốc hội là nhẹ cân nhất. Tuy nhiên, tương lai của 3 trụ mạnh này cũng không mấy sáng sủa, vì mải đánh nhau, 3 trụ này khó bảo toàn cả 3, khi đến hết nhiệm kỳ. Vì cả 3 đều mạnh, nên chẳng ai yên tâm khi hai người còn lại vẫn ngồi sờ sờ ra đó. Nếu mâu thuẫn đến mức không thể đem ra bàn đàm phán để giải quyết, có khi, họ lại thuốc nhau đến xanh cỏ.

Xem ra, kẻ không có thế lực mạnh như Trần Thanh Mẫn, có khi lại hưởng lợi. Thực tế đã chứng minh, kẻ được cho là khôn ngoan, lọc lõi hàng đầu trên chính trường, như Vương Đình Huệ, bất ngờ phải rụng giữa chừng, để cho một cấp phó “bảo đâu vâng đó” lại được ngồi vào chiếc ghế mà bao nhiêu người mơ ước.

Ở thời loạn, những kẻ mạnh đánh nhau đến “lưỡng bại câu thương”, có khi lại để cho “mèo mù vớ cá rán”, và một kẻ “ngu ngơ” nào đó lại vớ bẫm, ngoi lên nắm lấy quyền lực. Kịch bản này trước đây đã xảy ra ở cấp địa phương, giờ đã lan ra tới Trung ương.

Đấy là bức tranh chính trị Việt Nam hiện nay. Những kẻ được cho là mạnh mẽ, có khả năng nắm quyền, thì lại chỉ lo đánh nhau mà chẳng quan tâm gì đến tình hình đất nước. Đánh nhau từ thượng tầng đến cơ sở. Bộ máy chính quyền tê liệt, bởi bên dưới không biết vâng lệnh ai. Nếu vâng lệnh một người, mà lỡ người này thua cuộc, thì sẽ liên lụy đến sự nghiệp của kẻ thừa hành. Vì vậy, hầu hết công chức chọn cách không làm gì cả cho an toàn. Nền kinh tế đình trệ, người dân khốn khổ, không ai quan tâm. Và nếu quan chức có quan tâm, thì cũng không có năng lực để giải quyết.

Giải quyết sao được khi mà bộ máy chính quyền là một khối lộn xộn, không ai chịu nhường ai?

 

Thái Hà – Thoibao.de